69 năm qua đi kể từ ngày Đội TNXP đầu tiên được thành lập theo Chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh (15/7/1950 - 15/7/2019), các thế hệ thanh niên xung phong Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng vẫn luôn sẵn sàng hy sinh, vượt qua gian khổ, lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Những trang sử vẻ vang
Đáp lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ “Tất cả vì Miền Nam ruột thịt”, “Vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước”. Với sự hiệu triệu của phong trào “Ba sẵn sàng, năm xung phong” do Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam phát động, hàng chục vạn thanh niên tình nguyện gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) chống Mỹ cứu nước, tiếp bước cha anh lên đường ra trận với quyết tâm “tất cả để đánh giặc Mỹ xâm lược”.
Không nằm ngoài sự kêu gọi đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ năm 1965 - 1975, tỉnh Bắc Kạn (lúc đó là tỉnh Bắc Thái) đã có hơn 500 cán bộ, đoàn viên thanh niên con em các dân tộc trong tỉnh tham gia TNXP; có 08 TNXP bị thương được chứng nhận thương binh và 57 TNXP hy sinh được công nhận là liệt sỹ, được cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
Riêng tỉnh Bắc Kạn có 02 đơn vị đó là Đại đội C933 Bạch Thông và C929 Chợ Đồn, mỗi đơn vị biên chế có gần 100 đội viên. Hầu hết là cán bộ đoàn viên thanh niên ở các huyện Chợ Mới, Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn và huyện Ba Bể.
Đại đội 933 được giao nhiệm vụ xây dựng công trình trung thủy nông Thanh Vận thuộc huyện Bạch Thông, đang xây dựng dở dang thì ngày 01 tháng 8 năm 1968, trời mưa to bị lũ quét, cuốn trôi thân đập và một số nhà của nhân dân. Bất chấp hiểm nguy, cán bộ đội viên TNXP đã lao vào dòng nước chảy xiết cứu được nhiều người và tài sản của nhân dân, nhưng nước lũ quá mạnh đã cuốn trôi 13 đội viên, phải mất thời gian sau mới tìm thấy hết thi thể, để lại bao tiếc thương cho đồng chí đồng đội và nhân dân địa phương. Trong số 13 đội viên TNXP hy sinh trong trận lũ đó có 10 đội viên ở huyện Bạch Thông, 01 đội viên ở huyện Ngân Sơn và 02 đội viên ở thị xã Bắc Kạn. Năm 1969 tất cả 13 đội viên đã được công nhận là liệt sĩ và được nhà nước cấp Bằng Tổ quốc ghi công.
Trong trận chiến ác liệt vào những ngày cuối tháng 6 năm 1972 của không quân Mỹ cùng những trận ném bom dữ dội hòng cắt đứt tuyến huyết mạch của ta như trận ném bom mùa thu 1972 làm đội viên Hoàng Thị Cát xã Thượng Giáo, huyện Ba Bể, Hoàng Thị Phân, xã Nguyên Phúc huyện Bạch Thông thuộc đơn vị 915-913 ngã xuống khi vừa tròn 20 tuổi. Các đợt ném bom đánh phá ác liệt trong tháng 9, tháng 10, tháng 11, tháng 12 xuống dọc quốc lộ 1B, đường 16A, các kho xăng dầu, bến bãi, nhà máy của ta làm 06 đội viên thuộc đơn vị 913-914-915 bị thương. Đó là đội viên Trương Xuân Lập ở xã Bằng Vân, đội viên Bế Thị Nhị quê ở Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, đội viên Ngô Thị Mít xã Liêm Thủy, đội viên Nông Thị Hoa, xã Cường Lợi, đội viên Nông Thị Thanh xã Cư Lễ huyện Na Rì và đội viên Cà Thị Phương, xã Nhạn Môn huyện Pác Nặm...
12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 cùng với Hà Nội, Hải Phòng thì Bắc Thái cũng gồng mình trước các cuộc ném bom dữ dội. Thời điểm đó ga Lưu Xá và ga Quán Triều vẫn còn tồn đọng gần 2 vạn tấn hàng cần được giải tỏa sớm. Phó Thủ Tướng Đỗ Mười chỉ đạo UBND tỉnh Bắc Thái tổ chức ca kíp, tập trung lực lượng, phương tiện giải tỏa hàng hóa trong khu vực trong điểm đánh phá của địch. Ngay sau đó Ủy ban hành chính tỉnh giao cho đội 91 cử 100 cán bộ đội viên cùng công nhân khu Gang Thép và ga Lưu Xá thực hiện nhiệm vụ. Sáng 24/12/1972 đội 91 điều 66 cán bộ đội viên đại đội 915 do đồng chí Triệu Đức Việt dân tộc Nùng, quê ở xã Đồng Lạc, huyện Chợ Đồn là đội trưởng xuống ga Lưu Xá làm nhiệm vụ, giải tỏa một khối lượng lớn hàng hóa đến địa điểm an toàn. Một ngày lao động vất vả, chiều tối mới được nghỉ chuẩn bị ăn cơm rồi định tranh thủ bốc dỡ hàng hóa trong đêm cho kịp tránh đợt oanh tạc tới của máy bay giặc Mỹ. Chập choạng tối Noel 24/12 khi 66 đội viên TNXP đại đội 915 chưa kịp bưng bát cơm thì máy bay B52 kèm máy bay chiến thuật ồ ạt lao đến, tất cả theo lệnh báo động xuống hầm trú ẩn; bom dải thảm khắp thành phố Thái Nguyên, khu vực ga Lưu Xá chìm ngập trong khói lửa. Bom rơi trúng hầm 60 đội viên và 2 nhân viên thủ kho hy sinh, số còn lại bị thương, bị sức ép của bom B52.
Sự hy sinh anh dũng của 60 đồng đội đã thổi bùng ngọn lửa căm thù, thôi thúc tinh thần quyết chiến, quyết thắng của TNXP đội 91, tất cả biến đau thương thành hành động cách mạng, cấp tốc bốc dỡ, vận chuyển gần 2 vạn tấn hàng hóa ra khỏi khu vực nguy hiểm. Trong số 60 cán bộ đội viên hy sinh, tỉnh Bắc Kạn có 41 đội viên, trong đó có 25 đội viên quê ở huyện Chợ Đồn, có 09 đội viên quê ở Ba Bể, có 02 đội viên quê ở huyện Bạch Thông, có 04 đội viên quê ở huyện Na Rì, có 01 đội viên quê ở huyện Chợ Mới. Sự hy sinh của cán bộ, đội viên TNXP Đại đội 915 là tổn thất lớn nhất nhưng cũng là chiến công oanh liệt ở mặt trận hậu phương của lực lượng TNXP, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng Miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tiếp nối truyền thống
Sau ngày đất nước được giải phóng, lực lượng TNXP tỉnh Bắc Kạn lại hòa cùng với TNXP cả nước tiên phong, đi đầu làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế.
Cựu TNXP tỉnh tham gia hoạt động về nguồn |
Được thành lập từ năm 2005, đến nay, Hội cựu TNXP tỉnh đã tập hợp được hơn 2000 hội viên, sinh hoạt ở 85 chi hội. Những năm qua, Hội đã phát huy tốt vai trò là nhân chứng lịch sử, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp giải quyết các chế độ, chính sách cho cựu TNXP. Hoạt động nghĩa tình đồng đội “Đền ơn đáp nghĩa” là một trong những hoạt động tiêu biểu của Hội được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức hoạt động truyền thống về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, quy tập hài cốt đồng đội, tổ chức tang lễ cho đồng đội; tiếp nhận và tổ chức trao tặng quà nhân dịp tết Nguyên đán; hỗ trợ cựu TNXP bị thiên tai; tham gia khai thác thông tin, sưu tầm tư liệu lịch sử đơn vị Đại đội 915 thuộc Đội 91 TNXP Bắc Thái do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Kạn tổ chức; phát động thi đua giữa các đơn vị huyện, thành Hội năm 2019 với nội dung “Xây dựng Hội vững mạnh, tích cực tham gia công tác xã hội ở cộng đồng vì nghĩa tình đồng đội”. Ngoài ra, Hội còn tổ chức các buổi gặp mặt giao lưu với các thế hệ thanh niên điển hình tiên tiến nhằm tôn vinh sự hy sinh cống hiến của cựu TNXP và khơi dậy giá trị truyền thống cho thanh thiếu niên địa phương.
Cùng với đó, các cấp Hội Cựu TNXP trong tỉnh đã xây dựng Quỹ nghĩa tình đồng đội do hội viên tự nguyện đóng góp để thăm hỏi, giúp đỡ nhau những khi ốm đau, hoạn nạn và giúp những hội viên nghèo vay vốn sản xuất, giảm nghèo... Hội viên TNXP cũng luôn phát huy vai trò tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh, phòng chống các tệ nạn xã hội và hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; tổ chức các buổi sinh hoạt nhằm động viên tinh thần hội viên sống vui, sống khỏe và có ích. Từ đó đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiên tiến về hoạt động Hội và làm kinh tế giỏi như: Hội cựu TNXP thành Phố Bắc Kạn có 03 hội viên được UBND thành phố khen thưởng có thành tích trong công tác Hội và xây dựng kinh tế địa phương; Hội huyện Chợ Đồn có 05 mô hình kinh tế giỏi của cựu TNXP là mô hình ao cá của ông Hoàng Ngọc Đông, xã Đồng Lạc (Chợ Đồn) mang lại thu nhập 150 triệu/năm, giải quyết việc làm cho 10 cựu TNXP; ông Lèng Văn Chiến, xã Phương Viên tham gia tích cực trong việc xây dựng tổ chức hội, giúp các đồng đội kinh nghiệm sản xuất, ngoài ra mô hình trồng cây ăn quả của ông giải quyết việc làm cho 04 cựu TNXP…
Có thể khẳng định, trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, lực lượng TNXP tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp một phần không nhỏ làm nên chiến thắng của dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, những người cựu TNXP ấy lại tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, tích cực góp sức xây dựng quê hương./.
Tác giả: Thu Trang (Tổng hợp)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn