Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) hằng năm được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp với chính quyền tổ chức nền nếp. Việc tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn với các hoạt động biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, tổ chức bữa cơm đại đoàn kết, vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trong dịp diễn ra ngày hội đã động viên nhân dân phát huy truyền thống quê hương, dòng họ, là biểu hiện sinh động của sự gắn bó tình làng, nghĩa xóm.
Lãnh đạo tỉnh dự và vui Ngày hội đại đoàn kết cùng bà con thôn Nà Duồng, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) |
Năm 1997, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Hướng dẫn số 337/MTTW ngày 6/10/1997 hướng dẫn Mặt trận các địa phương về việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Mục đích là ôn lại truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo kết quả của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động theo phong tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đây cũng chính là tiền đề cho việc ra đời “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư” sau này. Vào dịp này, nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Mặt trận cũng đã quan tâm về với các khu dân cư để dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân cùng các tầng lớp nhân dân.
Sau Đại hội V Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1999), việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân” ở khu dân cư ngày càng được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương quan tâm hơn. Càng ở vùng nông thôn, vùng miền núi, Ngày hội càng mang nhiều bản sắc văn hóa và tập trung đông đảo nhân dân tham gia. Để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới cũng như để tiến hành đồng đều và nâng cao hiệu quả của “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư, ngày 01/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư.
Các hoạt động văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc tại ngày hội |
Từ đó đến nay, “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11) được các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức sôi nổi. Toàn tỉnh có tổng số 1.421 khu dân cư thì 100% các khu dân cư tổ chức ngày hội, khoảng 98% khu dân cư tổ chức đầy đủ cả phần lễ, phần hội và các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Việc tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Phần lễ tổ chức ngắn gọn, tập trung vào phần hội nhằm thu hút sự tham gia đông đảo của người dân, hộ gia đình, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn dân cư.
Công tác tuyên truyền trước, trong và sau ngày hội được MTTQ các cấp đặc biệt quan tâm, vì đây là trung tâm cho sự thành công của việc tổ chức ngày hội ở khu dân cư, các nội dung truyên truyền chủ yếu tập trung tuyên truyền về lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Bên cạnh đó là các hoạt động: Tổ chức diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân, đối thoại giữa nhân dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hiến công, hiến kế, phát huy sáng kiến của nhân dân tham gia xây dựng quê hương; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện: Thăm và tặng quà các gia đình chính sách, cán bộ lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, cán bộ Mặt trận các thời kỳ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường; tổ chức văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương, sinh hoạt văn hóa cộng đồng; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao ở địa bàn dân cư, chú trọng phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, của địa phương tạo khí thế sôi nổi trong ngày hội.
Đến nay, việc tổ chức ngày hội đã thực sự đi vào nền nếp thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thông qua ngày hội, nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn được bảo tồn và phát huy (như hát then, lượn, phong slư, các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ và quê hương đất nước, các trò chơi dân gian như: Kéo co, đi cà kheo, giã bánh dày, nấu cơm lam đón lúa mới, thi đan lồng gà, thi khâu quả còn, khâu túi vải...). Sau phần hội, các khu dân cư đã tổ chức “Bữa cơm đại đoàn kết” cho cả cộng đồng tạo không khí vui vẻ và đầm ấm.
Đồng chí Ma Nhật Hoài - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Trong 15 năm qua, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn, tổ dân phố đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả và được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình tham gia, coi đây là ngày có ý nghĩa đặc biệt, tạo thành nền nếp và nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Qua đó, các cộng đồng dân cư thêm gắn bó, đoàn kết hơn; mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền, Mặt trận với các tầng lớp nhân dân được tăng cường, niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố vững chắc./.
Tác giả: Thu Trang
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn