Tham dự có đồng chí Nông Văn Chí- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Tại buổi làm việc, Sở Tài nguyên & Môi trường đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay. Qua đó cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2016, ngành cấp được 70.143 giấy chứng nhận sử dụng đất, trong đó có 34 giấy chứng nhận của tổ chức. Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 533.499 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 91% diện tích cần cấp. Trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, năm 2016 đã tiếp nhận, thẩm định 39 hồ sơ hoạt động khoáng sản, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 10 quyết định và 04 giấy phép khoáng sản. Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu được trên 277 triệu đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Sở Tài nguyên & Môi trường cũng nêu lên những mặt hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp khắc phục trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh như: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ; thẩm định giá đất; một số tổ chức sử dụng đất theo hình thức tự ý nhận chuyển nhượng, tự thuê đất với các chủ sử dụng đất; sử dụng đất không hiệu quả hoặc không sử dụng... Đối với lĩnh vực khoáng sản, nhiều mỏ hết thời hạn khai thác chậm làm thủ tục hồ sơ đóng cửa mỏ; một số mỏ chì kẽm tại huyện Ngân Sơn nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; khó khăn trong giám sát sản lượng khai thác của đơn vị được cấp phép; thiếu kinh phí triển khai quy hoạch tài nguyên nước và kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; hạn chế, bất cập trong vấn đề xử lý rác thải...
Đồng chí Nông Văn Chí- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho ý kiến: Phải kiên quyết xử lý, thu hồi đất giao cho các tổ chức nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; làm rõ trách nhiệm của các ngành trong việc giải quyết vướng mắc cấp chứng nhận sử dụng đất; công tác chỉnh lý biến động đất đai khi thực hiện các dự án giao thông hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; các địa phương chưa thực hiện thường xuyên công tác báo cáo xử lý tồn tại về quản lý đất đai; cần nghiêm túc, chặt chẽ trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản; thực hiện tốt quản lý quy hoạch đất đai.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du nhấn mạnh: Công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là về đất đai và khoáng sản. Việc phối hợp giữa các ngành liên quan còn chưa thực sự chặt chẽ, do vậy cần phải quan tâm thực hiện hiệu quả công tác phối hợp trong quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Các ngành, phòng ban chuyên môn cần mạnh dạn hơn trong công tác tham mưu, tập trung quản lý tốt tài nguyên khoáng sản trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác, vận chuyển khoáng sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nâng cao ý thức, trách nhiệm thực thi nhiệm vụ và giáo dục chính trị cho cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.../.
Lê Trang
Nguồn tin: http://baobackan.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn