Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ ba - 25/09/2018 01:11
Ngày 21/9/2018, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát tại UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2017.

Ngày 21/9/2018, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát tại UBND tỉnh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình 30a, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2017.

Đồng chí Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi giám sát. Dự buổi giám sát có đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong những năm qua, các cấp, ngành đã quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh.

Tổng nguồn vốn được giao giai đoạn 2012 - 2017 để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng và phát triển rừng là trên 300 tỷ đồng, kết quả thực hiện được 294,9 tỷ đồng để hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, khoán khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phòng hộ. Ngoài ra còn trợ cấp gạo và chính sách tín dụng cho hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế.

Đối với chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 30a, tổng số nguồn vốn được giao từ năm 2012 - 2017 là trên 89,6 tỷ đồng, kết quả thực hiện được trên 87,3 tỷ đồng bao gồm: Hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; Hỗ trợ đối với vùng đất có khả năng khai hoang, phục hóa; Hỗ trợ tiền mua giống, phân bón, xây dựng chuồng, trại; Hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật.

Đối với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, tổng số nguồn vốn được giao từ năm 2012 - 2017 là trên 80,6 tỷ đồng, kết quả thực hiện được trên 73,3 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2012 đến hết năm 2017 được giao trên 40,2 tỷ đồng để triển khai các mô hình và hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương nghiên cứu tích hợp hai Chương trình MTQG thành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững; Ban hành kịp thời và thống nhất các văn bản hướng dẫn hỗ trợ phát triển sản xuất;Tăng mức hỗ trợ đầu tư đối với các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh...

Để việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh được hiệu quả, đồng chí Phương Thị Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền về chế độ chính sách, pháp luật cho người dân. Cần xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ khi thực hiện các chương trình, dự án có nhiều ngành liên quan; Tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng trong thực hiện các chính sách, đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện các chế độ, chính sách ở cơ sở…

Những kiến nghị của UBND tỉnh sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển sản xuất cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi tại một số địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh./.

Tác giả: Hương Lan

Nguồn tin: http://backan.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây