Rừng là thành tố quan trọng hàng đầu của tài nguyên sinh vật, có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với diễn biến môi trường. Bảo vệ rừng là trọng tâm của bảo vệ môi trường nói chung, góp phần tích cực chống biến đổi khí hậu. Do vậy, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng bảo vệ rừng hiện có và phát triển rừng.
Lực lượng Kiểm lâm kiểm tra rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiêm Kim Hỷ, huyện Na Rì |
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ nét hơn, tác động trực tiếp vào đời sống của nhân dân và sự phát triển của tỉnh như: Trời rét kéo dài làm chết nhiều gia súc; Hạn hán làm mất mùa; Mưa to, lũ quét phá hủy hệ thống giao thông, thủy lợi…
Để ứng phó với những biến đổi mang tính tiêu cực, Bắc Kạn đã có những biện pháp thiết thực, trong đó trồng rừng và bảo vệ rừng được coi là một trong những giải pháp chủ chốt. Giai đoạn 2013 - 2017, tỉnh Bắc Kạn trồng mới trên 42.500ha rừng, bình quân trồng được 8.500ha/năm, qua đó nâng độ che phủ rừng của tỉnh lên 72,1% năm 2017, trở thành một trong những địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất trong cả nước. Trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện trách nhiệm bảo vệ rừng. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách thường xuyên thực hiện tuần tra, kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.
Vào đầu mùa khô hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch phòng cháy chữa cháy rừng, theo đó yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2016 - 2020, các Ban Chỉ đạo cấp huyện, các Ban Chỉ huy về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng cấp xã và các Tổ, đội Phòng cháy, chữa cháy rừng tại chỗ của các thôn, bản thực hiện đúng các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng và thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”…
Tỉnh cũng đã tích cực thực hiện giao khoán, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, phòng hộ, trọng yếu là những diện tích đất trống có cây tái sinh và rừng mới phục hồi chưa có trữ lượng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ có đủ điều kiện phục hồi thành rừng… Hằng năm, toàn tỉnh thực hiện khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên đạt trên 91.000ha; trong đó diện tích thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng phòng hộ là 83.465ha.
Những hoạt động trên đã góp phần tích cực trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, lũ lụt trên địa bàn tỉnh nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung, đặc biệt là các tỉnh trong lưu vực sông Cầu, sông Lô và sông Bằng Giang.
Trong giai đoạn tiếp theo, để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục quản lý, sử dụng bền vững diện tích rừng tự nhiên, thay thế các diện tích kém hiệu quả sang trồng cây lâm nghiệp đa mục đích để nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng; Khuyến khích mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả và lâm sản ngoài gỗ với trồng rừng và khai thác rừng bền vững; Chuyển đổi cơ cấu sản phẩm từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn cung cấp cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng; Tăng cường quản lý hệ sinh thái đặc dụng, bảo vệ quỹ gen, đảm bảo đa dạng sinh học; Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, đến năm 2020 trồng mới được 32.500ha rừng…/.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn