Ngày 11/9/2017, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Các đại biểu: Phương Thị Thanh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Thị Thu Phương - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy đồng chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa; lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện Ba Bể, Bạch Thông, Na Rỳ; lãnh đạo Vườn Quốc gia Ba Bể, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh.
Quang cảnh Hội nghị |
Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) có 12 chương và 111 điều, tăng 4 chương và 23 điều so với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004. Bên cạnh đó, dự thảo Luật lần này cũng bổ sung, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng về phạm vi điều chỉnh; định nghĩa về rừng; bổ sung một số loại rừng trong phân loại rừng; về sở hữu rừng; về chính sách lâm nghiệp; chủ rừng; chỉnh sửa, bổ sung quy định về giao rừng, cho thuê rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng và thu hồi rừng; quy định chặt chẽ việc chuyển mục đích sự dụng rừng sang mục đích khác ngoài lâm nghiệp; quy định về đóng, mở cửa rừng tự nhiên; về chế biến, thương mại lâm sản; về khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đóng góp vào một số điều, khoản trong dự thảo Luật cũng như đề xuất các ý kiến về việc cụ thể hóa Luật và tổ chức thực hiện khi Luật được ban hành. Một số đại biểu cho rằng, đối với quy định về chủ rừng tại Điều 8 dự thảo Luật, cần bổ sung “nhóm hộ gia đình” cũng là chủ rừng, hoặc có thể bổ sung đối tượng nhóm hộ gia đình vào phần giải thích cụm từ cộng đồng dân cư, vì trên thực tế, các mô hình liên kết sản xuất kinh doanh trong lâm nghiệp hiện nay đang thực hiện theo nhóm hộ gia đình có các khoảng rừng liền kề. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng rừng được quy định tại Điều 26 dự thảo Luật cần cân nhắc vì đang “lệch” với quy định của Luật Đất đai.
Một số đại biểu khác đưa ra đề xuất về việc cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân về việc giải quyết đất rừng tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết tranh chấp đất đai; đề nghị đầu tư và nâng cao giá trị việc trồng rừng theo hướng bền vững. Có đại biểu đề nghị điều chỉnh các quy định về việc chi trả và quản lý dịch vụ môi trường rừng, quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng…
Các ý kiến, kiến nghị của đại biểu về dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) đã được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp để trình Quốc hội xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung./.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn