Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vào sáng 25/9, đồng chí Phương Thị Thanh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch xây dựng, phát triển địa phương. Theo đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong Đảng bộ tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 7 khóa X, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Với đặc thù có trên 90% diện tích là đất nông, lâm nghiệp, tỉnh luôn xác định nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Yêu cầu đặt ra là phải làm tốt hơn việc khai thác tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để phát triển bền vững.
Đồng chí đề nghị các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần chủ động bám sát Nghị quyết của Đảng, sự chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn để tập trung lãnh đạo, cụ thể hóa, triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế và chức năng nhiệm vụ. Kịp thời cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân nhiệm kỳ 2023 - 2028 bằng chương trình, kế hoạch hoạt động toàn khóa và hằng năm để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Các cấp Hội chú trọng đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, tập trung hướng về cơ sở, địa bàn nông thôn. Đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên, lực lượng nông dân là chủ thể, là trung tâm trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Chú trọng tập trung đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động khơi dậy trong cán bộ hội viên hội nông dân tỉnh nhà tinh thần ý chí, sáng tạo trong lao động sản xuất, luôn trăn trở, tâm huyết, quyết liệt hơn, lan tỏa khát vọng đổi mới phát triển, không bằng lòng với kết quả đã có, vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng.
Chăm lo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ hội có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội, dân chủ ở cơ sở. Kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên; chủ động phối hợp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hội viên, nông dân ngay từ cơ sở, không để hình thành điểm nóng trên địa bàn. Chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, nông dân. Thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân.
Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản, làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn. Phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tư vấn pháp luật, kiến thức sản xuất kinh doanh, khoa học công nghệ. Khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng sản phẩm đặc hữu địa phương.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tiếp tục đổi mới cách thức triển khai Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng hơn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, nhân rộng lan tỏa các mô hình, điển hình tiên tiến sản xuất kinh doanh giỏi trong hội viên và lực lượng nông dân; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế của các sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới. Tích cực vận động hội viên ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, liên kết mở rộng thị trường trong nước và hướng tới thị trường quốc tế...
Phiên họp UBND tỉnh tháng 9/2023
Chiều 26/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên, Phạm Duy Hưng, Nông Quang Nhất chủ trì Phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9/2023 để đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh tháng 9 và 9 tháng đầu năm; giải pháp 3 tháng cuối năm; cho ý kiến đối với các tờ trình dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại Kỳ họp tháng 10/2023.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, nhiệm vụ của các đơn vị, địa phương hết sức nặng nề, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Các sở, ngành, địa phương phải tập trung cao độ, quyết tâm hoàn thành mức cao nhất mục tiêu của 3 tháng còn lại và cả năm 2023; phải quyết liệt hơn nữa, sát sao hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; cán bộ, công chức, viên chức các ngành tập trung, chủ động, linh hoạt trong xử lý công việc…
Đối với giải ngân đầu tư công, các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư phải tập trung cao độ giải ngân đầu tư công và các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội theo cam kết; phải quyết liệt trong giải quyết các vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Về nhiệm vụ thu chi ngân sách, các đơn vị liên quan phải rà soát kỹ các khoản thu, đặc biệt là xác định các khoản thu có khả năng thực hiện để bù đắp hụt thu ở một số lĩnh vực. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các địa phương trong thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá đất. Chi ngân sách chặt chẽ, trên cơ sở khả năng thu. Hướng dẫn các địa phương trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Các ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở sản xuất kinh doanh; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường thu hút, chú trọng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách…
Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh theo mùa, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho Nhân dân; thực hiện tốt các các chính sách an sinh xã hội; đảm bảo vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn...
Họp bàn triển khai thực hiện Đề án “Không gian văn hóa - du lịch đầu nguồn Sông Cầu”
Chiều 27/9, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng, lãnh đạo UBND thành phố Bắc Kạn và các sở, ngành liên quan đã nghe và đóng góp ý kiến xây dựng Đề án “Không gian văn hóa - du lịch đầu nguồn Sông Cầu”.
Qua xem xét Đề án “Không gian văn hóa - du lịch đầu nguồn Sông Cầu” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và các ý kiến phát biểu, trao đổi tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình đồng ý chủ trương giao cho thành phố triển khai thực hiện tuyến phố đi bộ, trong đó lưu ý, cần bắt tay vào thực hiện ngay, trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo UBND tỉnh để có phương án giải quyết kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị giai đoạn trước mắt, không gian tuyến phố sẽ được tổ chức trên trục đường Thanh niên, đoạn từ cầu sắt Minh Khai đến cầu Đội Kỳ; giai đoạn sau sẽ mở rộng sang phía đối diện trên tuyến đường Phặc Tràng. Khuyến khích các hộ dân tổ chức nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, phù hợp với không gian tuyến phố, đồng thời bố trí các gian hàng bán các sản phẩm văn hóa, ẩm thực mang tính đặc trưng của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ. Các hạng mục thực hiện từng bước, từ nhỏ đến lớn. Trước mắt tạo sân khấu nhỏ tại vườn hoa đầu đường Thanh niên, xây dựng cổng tuyến phố đi bộ, bố trí hệ thống đèn trang trí… Giao Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch tiếp tục hoàn thiện Đề án tổng thể “Không gian văn hóa - du lịch đầu nguồn Sông Cầu”.
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 60
Sáng 28/9, đồng chí Hoàng Duy Chinh - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XII) lần thứ 60 để bàn một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe và cho ý kiến đối với báo cáo về công tác quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác lộ thiên quặng sắt Lũng Viền, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn; dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác và chế biến quặng chì, kẽm khu vực Phia Đăm - Khuổi Mạn, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm; báo cáo tình hình thực hiện một số dự án đầu tư công trọng điểm; báo cáo giải quyết các kiến nghị của Huyện ủy Pác Nặm về xây dựng xã Bộc Bố thành thị trấn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã cho ý kiến đối với danh mục dự án, đề tài khoa học năm 2024; việc tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội năm 2024; việc tổ chức Lễ phát động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo năm 2023; sử dụng kinh phí vận động làm nhà Đại đoàn kết tỉnh Điện Biên; trích Quỹ Vì người nghèo tỉnh để hỗ trợ kinh phí xây dựng 200 căn nhà Đại đoàn kết; nội dung Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 13.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện công tác cán bộ theo thẩm quyền và bàn một số nội dung quan trọng khác./.
Nguồn tin: backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn