Ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lấy phần đất thuộc phủ Thông Hóa thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm các châu Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa (sau đổi thành Na Rì), Cảm Hóa (sau đổi thành Ngân Sơn). Trải qua nhiều biến động, đổi thay cùng với sự chia tách, sáp nhập về địa giới hành chính, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Kạn luôn thực hiện tốt vai trò căn cứ địa cách mạng, hết lòng cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ bộ đội, cơ quan, xí nghiệp, kho tàng của Trung ương sơ tán; bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước… Trong chiến dịch Việt Bắc (Thu - Đông năm 1947), nhiều gương chiến đấu, hy sinh oanh liệt được cả nước biết đến, nhiều tên núi, tên sông đã trở thành địa danh lịch sử, gắn với những chiến công như Phủ Thông, Đèo Giàng… Hiện nay, Bắc Kạn có 11 di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến được Nhà nước công nhận. Trải qua các cuộc kháng chiến, hơn 2000 liệt sỹ và hàng trăm thương binh, bệnh binh, con em của đồng bào các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã cống hiến, hy sinh, nêu cao truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh nhà.
Ngày 01/01/1997, tỉnh Bắc Kạn chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Khi mới tái lập, tỉnh Bắc Kạn gặp rất nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội kém phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, thu ngân sách thấp, chưa đáp ứng được 10% nhu cầu chi toàn tỉnh. Sau 22 năm tái lập, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban, ngành Trung ương, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống quê hương căn cứ địa cách mạng, đoàn kết nhất trí, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lao động cần cù, sáng tạo, nỗ lực vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Kinh tế có bước chuyển biến theo hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) bình quân năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, tổng giá trị gia tăng GRDP trên địa bàn đạt 6.641 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,9% vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 5,5%); tổng thu ngân sách đạt 643 tỷ đồng; tổng sản phẩm đạt 9.962 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng/người. Du lịch ngày càng phát triển, tỉnh đã chú trọng công tác phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa truyền thống, các lễ hội trên địa bàn. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hằng năm đều có các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến trong năm 2019 có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đang phấn đấu xây dựng 2 xã nông thôn mới nâng cao.
Văn hóa, xã hội có bước phát triển mới: Lĩnh vực giáo dục và đào tạo có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tiếp tục được duy trì thực hiện, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Công tác quản lý, sử dụng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được đảm bảo theo quy định; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. Hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao diễn ra sôi nổi ở các địa phương. Công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo được đặc biệt quan tâm…
Cơ quan quân sự các cấp duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, xây dựng nề nếp chính quy, huấn luyện chiến đấu, giáo dục chính trị cho lực lượng thường trực, dự bị động viên, dân quân tự vệ đúng, đủ nội dung, chương trình, kết quả huấn luyện đạt loại khá trở lên. Diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện, diễn tập chiến đấu trị an tại các xã, phường, thị trấn đều đạt kết quả cao. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Công tác xây dựng Đảng luôn được cấp ủy các cấp từ cơ sở đến tỉnh quan tâm, nhất là công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chú trọng phổ biến, tuyên truyền các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh. Bộ máy chính quyền các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Công tác xây dựng Mặt trận và các đoàn thể quần chúng vững mạnh có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn vững mạnh của tổ chức Mặt trận, đoàn thể các cấp càng tăng. Công tác cải cách hành chính được tỉnh đặc biệt chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí được đẩy mạnh…
Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 2000), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2006), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2016). Trong quá trình 120 năm hình thành, xây dựng và phát triển là quá trình phấn đấu nỗ lực, kiên trì, bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn, vươn lên khắc phục những khó khăn và giành được những thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh (11/4/1900 -11/4/2020), UBND tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Kạn./.
Tác giả: Thanh Thuyên
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn