Cuộc đời của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương cao đẹp của một nhà trí thức yêu nước nồng nàn, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và sự phát triển của đất nước.
Cụ Nguyễn Văn Tố (Ảnh tư liệu) |
Cụ Nguyễn Văn Tố, bút hiệu Ứng Hòe, sinh ngày 5/6/1889 tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, cụ Nguyễn Văn Tố là người vừa uyên thâm Hán học, vừa tinh thông Tây học.
Ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Tố đã thể hiện tư chất thông minh và học giỏi. Năm mới lên 4 - 5 tuổi, tự học chữ nho tại nhà, Nguyễn Văn Tố đã đạt ở trình độ Tam tự kinh - bậc khởi đầu của Nho học; rồi sau đó, lần lượt đạt qua các bậc “Nhất trường”, “Nhị trường” và “Tam trường”.
Lớn lên giữa lúc đất nước đang trải qua nhiều chuyển biến sâu sắc dưới sự thống trị của thực dân Pháp, nhiều phong trào đấu tranh của nhân dân ta trên khắp cả nước như: Phong trào Duy Tân (1906-1908) do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng lãnh đạo đã ảnh hưởng đến tình cảm và ý chí của Nguyễn Văn Tố.
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cụ Nguyễn Văn Tố làm Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội của Chính phủ lâm thời trong bối cảnh cấp thiết chống đói, chống dốt cho nhân dân.
Ngày 6/1/1946, trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), cụ Nguyễn Văn Tố trúng cử đại biểu Quốc hội, là đại biểu của tỉnh Nam Định. Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu là Trưởng ban Thường trực của Quốc hội (tương đương chức danh Chủ tịch Quốc hội hiện nay). Từ tháng 11/1946, cụ Nguyễn Văn Tố được cử là Bộ trưởng không bộ.
Ngày 19/12/1946, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ cách mạng rút lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến chống Pháp.
Ngày 25/10/1947, trong đợt tiến công của thực dân Pháp lên Việt Bắc, Cụ bị chúng bắt tại Bắc Kạn khi chưa kịp di chuyển về nơi an toàn. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng Cụ vẫn thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù và anh dũng hy sinh.
Ghi nhận và tri ân sâu sắc công lao, cống hiến to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố đối với đất nước, Đảng và Nhà nước đã tổ chức trọng thể truy tặng cụ Nguyễn Văn Tố Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất và cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Cụ Nguyễn Văn Tố đã đi vào lịch sử dân tộc với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp khoa học, nhất là khoa học xã hội nhân văn; chống nạn thất học, nâng cao dân trí. Tên tuổi của cụ Nguyễn Văn Tố gắn liền với sự nghiệp Hội Truyền bá chữ quốc ngữ, Hội Trí Tri. Cụ là một điển hình về tự học, là tấm gương mở đường cho đội ngũ nhân sĩ, trí thức đem tài năng, trí tuệ, sức lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Ở cụ Nguyễn Văn Tố bộc lộ rõ phẩm chất của một nhà lãnh đạo cần mẫn, mẫu mực. Trên cương vị công tác nào Cụ cũng mang hết tài năng, tâm huyết và kinh nghiệm để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng và kháng chiến kiến quốc. Cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng ngời về lòng dũng cảm, kiên trung bất khuất trước kẻ thù, hết lòng vì nước, vì dân. Cụ Nguyễn Văn Tố là một nhân cách lớn, là người hiền tài có đủ nhân - trí - dũng - liêm.
Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh cụ Nguyễn Văn Tố (05/6/1889 - 05/6/2019) - người cộng sự, người bạn chiến đấu thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh những cống hiến to lớn của Cụ đối với cách mạng Việt Nam; qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển đất nước./.
Tác giả: Hương Lan (tổng hợp)
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn