Từ năm 2016 đến nay, các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã được chú trọng triển khai, đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Diện mạo xã Khang Ninh, huyện Ba Bể ngày càng đổi thay tích cực |
Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia. Thông qua Chương trình, cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, thêm khởi sắc và từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Có được kết quả này là do công tác tuyên truyền, giáo dục được thực hiện thường xuyên, liên tục, đa dạng, hiệu quả, qua đó huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc làm thay đổi rõ rệt nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới; nhiều cán bộ thực sự tâm huyết, có trách nhiệm cao với phong trào; cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đều nhận thức được trách nhiệm trong thực hiện Chương trình; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới ngày càng được xác định rõ hơn; nhiều tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình đóng góp ngày công lao động, vật liệu, hiến đất làm các công trình giao thông, thủy lợi, trường học... Cùng với đó, việc ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện cơ chế, chính sách đồng bộ kịp thời đã trao quyền chủ động cho cấp cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng. Thông qua việc tiếp xúc trực tiếp của lãnh đạo các cấp với cơ sở, ý kiến về tâm tư, nguyện vọng của người dân được tiếp thu đã làm cho những vấn đề khó khăn, bức xúc được kịp thời tháo gỡ. Công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục; sơ kết, tổng kết, khen thưởng, vinh danh các tập thể, cá nhân điển hình được quan tâm đúng mức đã tạo nên phong trào thi đua mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn tỉnh.
Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân cả tỉnh đạt 10,83 tiêu chí/xã); không còn xã dưới 05 tiêu chí. Đây là kết quả quan trọng, là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần thực hiện nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, Chương trình luôn nhận được sự quan tâm, sát sao chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia tích cực của các tổ chức kinh tế trên địa bàn, nhờ đó các sản phẩm của địa phương ngày càng được nâng cao chất lượng. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Kạn đã có 105 sản phẩm được phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 08 sản phẩm đạt 4 sao và 97 sản phẩm đạt 3 sao. Tỉnh Bắc Kạn cũng đã tích cực triển khai các bước Đề án đặc thù “Xây dựng nông thôn mới các xã CT229, xã còn tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và các xã khó khăn đạt từ 05 tiêu chí nông thôn mới trở xuống trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020”, nhờ đó, tỉnh sẽ có thêm 74 công trình được đầu tư, chủ yếu tập trung vào đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa thôn...
Các sản phẩm OCOP là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả |
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã xây dựng các văn bản cụ thể hóa cho các đơn vị và các địa phương triển khai thực hiện. Các đơn vị, các huyện và thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình giai đoạn 2016 - 2020, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể giao cho các địa phương triển khai thực hiện. Công tác đánh giá kiểm tra được các địa phương thực hiện thường xuyên, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại cơ sở. Các chính sách giảm nghèo chung và chính sách xã hội được tỉnh tập trung triển khai đồng bộ như: Chính sách hỗ trợ về y tế, nhà ở, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ thông tin cho hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số ít người, trợ cấp xã hội thường xuyên hàng tháng cho các hộ chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trợ cấp cứu đói... đã giúp cho các hộ nghèo ổn định đời sống nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Nhờ đó Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đã thực sự đi vào cuộc sống làm chuyển biến đáng kể tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Các dự án hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đều triển khai đến tận các thôn bản đã góp phần cải thiện và nâng cao đời sống về vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc; năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ cấp xã, xóm từng bước được nâng lên, thông qua việc tiếp cận về công tác bối dưỡng đào tạo và trực tiếp được làm chủ đầu tư một số nội dung hợp phần của chương trình…
Nhiều mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được triển khai mở rộng, góp phần nâng cao đời sống cho người dân |
Đến tháng 12/2018, tỉnh đã có 04/10 chỉ tiêu đạt mục tiêu giảm nghèo của cả giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể: 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn bản được tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo, lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn đạt 96,1% (mục tiêu 96%); 95% hộ nghèo có nước sinh hoạt hợp vệ sinh (mục tiêu 95%); Tỷ lệ hộ nghèo giảm 7,52%, bình quân giảm 2,51%/năm (mục tiêu bình quân từ 2 - 2,5%/năm). Các chỉ tiêu còn lại đang tiếp tục thực hiện, phấn đấu đạt theo đúng kế hoạch đề ra. Đến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 19,57%.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, phấn đấu xây dựng nông thôn mới theo hướng chuyển từ lượng sang chất, bảo đảm thường xuyên, liên tục và lâu dài; tiếp tục xác định người nông dân là chủ thể, trực tiếp thực hiện và được thụ hưởng, Nhà nước giữ vai trò định hướng, hỗ trợ; phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, giảm nghèo bền vững; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; giải quyết vấn đề đầu vào và đầu ra cho sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn thôn, xã để đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống; nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường tự nhiên, môi trường sống cho người dân; bảo đảm an ninh, quốc phòng và trật tự, an toàn xã hội…/.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn