Tận dụng thế mạnh về rừng, đất rừng, đất chưa sử dụng để phát triển những loài cây thuốc bản địa có sẵn ở địa phương, phục vụ cho mục tiêu phát triển y tế và kinh tế của tỉnh... là vấn đề đang được Bắc Kạn quan tâm thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Bắc Kạn là tỉnh miền núi vùng cao, địa hình phức tạp, đa dạng, đất đai chủ yếu là đất Feralis giàu mùn, tầng canh tác khá dày, rất thuận lợi cho việc trồng cây lâu năm, trong đó có cây thuốc. Bên cạnh đó, độ che phủ rừng của Bắc Kạn trên 71% rất thuận lợi cho việc phát triển các loài cây dược liệu dưới tán rừng.
Thời gian qua, Bắc Kạn đã triển khai thực hiện một số đề tài, dự án như: Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học, phân bố và khả năng phát triển cây kim tuyến tại một số huyện của tỉnh Bắc Kạn”; Dự án “Nghiên cứu đánh giá, nhân giống và kỹ thuật trồng gừng đá Bắc Kạn”; Đề tài “Nghiên cứu một số giải pháp nâng cao chất lượng sử dụng vườn thuốc nam tại các trạm y tế xã của tỉnh Bắc Kạn”; Dự án “Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi sản phẩm dược liệu tự nhiên tại Việt Nam”; Dự án “Nghiên cứu phát triển trồng cây dược liệu tỉnh Bắc Kạn”… Thành công bước đầu của các đề tài, dự án là cơ sở khoa học để Bắc Kạn tiếp tục hỗ trợ phát triển dược liệu trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã chủ động đưa một số loại dược liệu quý vào trồng thử nghiệm và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như tại huyện Chợ Mới, cây đinh lăng đã được đưa vào trồng đại trà tại các xã Thanh Bình, Nông Thịnh và thị trấn Chợ Mới với diện tích 1,5ha, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Tại huyện Chợ Đồn, mô hình trồng và chế biến cây giảo cổ lam bước đầu được triển khai tại xã Phương Viên với tổng diện tích là 0,44ha, qua thời gian thí điểm đã cho hiệu quả tốt, nhiều hộ dân đã chủ động gây trồng và mở rộng diện tích…
Ông Nguyễn Văn Cư, thôn Khuổi Thiếu, xã Hà Vị, huyện Bạch Thông bên vườn trồng cây hà thủ ô |
Tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành, triển khai một số chính sách riêng, tạo hành lang pháp lý cho phát triển cây dược liệu, cụ thể như: Chương trình phát triển dược liệu giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020; Quy chế quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 435/2010/QĐ-UBND ngày 12/3/2010 của UBND tỉnh).
Tiềm năng và hiện trạng nguồn tài nguyên dược liệu ở Bắc Kạn rất phong phú và đa dạng. Trên địa bàn tỉnh, hiện tại, vùng núi đá vôi lớn ở các huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn còn lưu giữ nhiều nguồn gen thực vật quý hiếm. Theo thống kê của Viện Dược liệu Việt Nam, Bắc Kạn hiện có trên 1.000 loại dược liệu, trong đó có nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như: Ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng, bình vôi…, mặc dù đã bị suy giảm nghiêm trọng nhưng các loại dược liệu trên có thể được hồi phục, tái sinh và phát triển, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương. Thêm vào đó, phần lớn diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh đã có chủ và giao khoán cho nhóm hộ thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng nên dễ dàng trong việc lồng ghép các chính sách để nuôi trồng, phát triển cây dược liệu.
Để bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh, hiện nay, Bắc Kạn đang xây dựng Đề án “Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Theo đó, tỉnh sẽ quy hoạch cụ thể các vùng bảo tồn, khai thác và phát triển các loại dược liệu khác nhau. Đáng chú ý, Đề án sẽ quy hoạch 04 vùng trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và sinh thái để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cụ thể, Tiểu vùng Trung tâm tập trung phát triển 12 loài cây dược liệu có thể mạnh của tỉnh bao gồm: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Bảy lá một hoa, Cát sâm, Đinh lăng, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo, Gừng gió, Củ tắc kè. … Tiểu vùng Phía Đông tập trung phát triển 08 loài cây dược liệu là thế mạnh của vùng bao gồm: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Gừng gió, Củ tắc kè, Kê huyết đằng, Dong riềng đỏ, Sâm cau. Tiểu vùng phía Tây phát triển 09 loài cây dược liệu có giá trị là thế mạnh của địa phương, bao gồm: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Cát sâm, Đinh lăng, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Kim tiền thảo. Tiểu vùng phía Bắc và Tây Bắc phát triển 10 loài cây dược liệu có giá trị kinh tế là thế mạnh của vùng, bao gồm: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Bảy lá một hoa, Cát sâm, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Lan kim tuyến, Củ tắc kè.
Theo Đề án, Bắc Kạn sẽ tiếp tục phát triển nguồn giống dược liệu thông qua các giải pháp như: Triển khai nghiên cứu các biện pháp phục tráng, thuần hóa và nhập nội giống dược liệu, trong đó đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để chọn, tạo ra các loại giống dược liệu có năng suất, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sản xuất dược liệu; triển khai sản xuất các loại giống dược liệu phục vụ cho sản xuất (bao gồm 10 loại giống bản địa: Ba kích, Hà thủ ô, Bình vôi, Cát sâm, Kê huyết đằng, Giảo cổ lam, Ích mẫu, Lan kim tuyến, Củ tắc kè và 08 loại giống dược liệu được nhập nội để tạo nguồn nguyên liệu trong tỉnh: Actisô, Bạch chỉ, Bạch truật, Bạc hà, Đương quy, Tam thất, Xuyên khung, Đỗ trọng)…
Hy vọng rằng, khi Đề án “Phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” được triển khai thực hiện trong tương lai, Bắc Kạn sẽ phát huy được tiềm năng các cây dược liệu quý, không chỉ tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương mà còn tạo cơ hội cho người dân tăng thu nhập và cải thiện việc chăm sóc sức khỏe./.
Tác giả: Thu Cúc
Nguồn tin: http://backan.gov.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn