Tài sản không thể giải trình coi là tài sản nhà nước
Lần tiếp theo dự thảo luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội và lại “nóng” vấn đề xử lý tài sản bất minh.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chính lý dự thảo luật của UB Thường vụ Quốc hội nêu rõ, lần thảo luận trước tại Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 1 là thu thuế thu nhập cá nhân; đồng thời, sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để bổ sung loại thu nhập này là thu nhập chịu thuế.
Một số ý kiến tán thành với phương án 2 của dự thảo Luật là xử phạt hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, không minh bạch trong giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập.
Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (phương án 3) theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án…
Theo phương án 3, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó) thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.
Phân tích về phương án mới này, UB Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định như vậy thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của luật PCTN hiện hành; góp phần khuyến khích sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN.
Phương án này đồng thời bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên thì việc phán quyết tính hợp lý của việc giải trình và xác lập sở hữu đối với tài sản, thu nhập tăng thêm phải do Tòa án quyết định thông qua thủ tục tố tụng dân sự, có tranh tụng, đối đáp công khai, có sự tham gia của Luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, bảo đảm tính dân chủ, thận trọng, khách quan. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng (hiện có khoảng 25 quốc gia quy định về thu hồi tài sản không dựa trên kết án hình sự).
Ưu điểm khác của phương án này là không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự. Về tố tụng dân sự, đối với trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với Kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đơn yêu cầu và tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với Kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện và tòa án thụ lý giải quyết.
Phương án này cũng được cho là không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự (đa số các trường hợp, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khởi kiện) bởi luật PCTN hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có tránh nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo luật. Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.
Như vậy, trong quá trình tranh tụng, tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước.
Chốt lại, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị không lựa chọn phương án 2 vì xử phạt hành chính có nhiều yếu tố bất hợp lý. Đối với phương án 1 và phương án 3, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 3.
Chính phủ chưa thảo luận luật một cách chặt chẽ?
Bày tỏ băn khoăn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bỏ cụm từ “thuộc sở hữu nhà nước" quy định trong phương án mới vì chưa ra toà đã khẳng định đó là tài sản thuộc sở hữu nhà nước thì có hợp lý không?
“Phải qua quá trình tố tụng thì toà mới tuyên được đó có phải tài sản nhà nước hay không chứ nói ngay là tài sản thuộc sở hữu nhà nước thì còn gì khách quan nữa” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bình luận.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không yên tâm với từ quy định về việc giải trình một cách “hợp lý”, trong bối cảnh Việt Nam chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội.
Giải thích thêm, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Luật Phòng chống tham nhũng hiện hành cũng đã giao quyền cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phán quyết về sự hợp lý của tài sản, chứ đây không phải là quy định mới khi sửa luật.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị UB Thường vụ Quốc hội chỉ cho quan điểm là chọn phương án thu thuế, xử phạt hành chính hay ra toà, còn xử lý cụ thể từng phương án thì để cho cơ quan chuyên môn thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái là sau khi Quốc hội cho ý kiến thì Chính phủ có thảo luận về các vấn đề gay cấn, hóc búa của dự án luật không? Sau khi nghe câu trả lời, Chủ tịch Quốc hội nói, như thế là tập thể Chính phủ chưa thảo luận mà mới chỉ có Thanh tra Chính phủ "lăn lộn chỉnh lý luật cùng cơ quan thẩm tra".
Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan hữu quan chỉnh lý lại phương án mới đề xuất và phương án thu thuế, sau đó xin ý kiến Bộ Chính trị.
Phương án nào thì tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng đều phải tịch thu 100%, Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn