Thực hiện chức năng không chồng chéo với các đơn vị khác
Năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập và thí điểm đưa mô hình của Trung tâm HCC tỉnh và 5 Trung tâm cấp huyện đi vào hoạt động. Sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mô hình Trung tâm HCC cho thấy đây thực sự là bước đột phá, đi đầu trong công tác cải cách hành chính (CCHC) và hiện đại hóa nền hành chính. Được Chính phủ và các Bộ, ngành, Trung ương đánh giá cao, đặc biệt được nhân dân và các tổ chức ghi nhận, đồng tình ủng hộ.
Trên cơ sở thực tiễn đó, tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án thành lập và báo cáo đề xuất với các cơ quan Trung ương có thẩm quyền. Tháng 10/2015, Thủ tướng chính phủ đã chính thức cho phép thí điểm thành lập Trung tâm HCC trực thuộc UBND tỉnh.
Trung tâm HCC thực hiện 18 nhiệm vụ chủ yếu như: đảm bảo mọi điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện, môi trường làm việc, ứng dụng công nghệ thông tin để các cơ quan, đơn vị thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), triển khai các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; niêm yết công khai, đầy đủ, rõ ràng các qui định, TTHC, mức thu lệ phí (nếu có); kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết TTHC của các cơ quan đơn vị; đề xuất đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ…
Theo tỉnh Quảng Ninh, với chức năng nhiệm vụ như trên, Trung tâm hoạt động không chồng chéo, vẫn đảm bảo sự kết nối, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị với Trung tâm. Đồng thời với bộ máy tinh gọn, họat động có hiệu quả sẽ trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh kiểm soát được toàn bộ công tác cải cách TTHC.
Ngay sau khi được Thủ tướng cho phép thí điểm, tỉnh Quảng Ninh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Các chỉ thị, Nghị quyết và nhiều văn bản chỉ đạo liên quan với các nội dung được tỉnh ban hành như: Nâng cao chất lượng quản trị và hành chính công; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh…
Cán bộ phải "ăn ngủ với hồ sơ"
“Cán bộ các đơn vị, Sở, ngành làm việc tại Trung tâm HCC tỉnh không chỉ thực hiện như một “văn thư” tiếp nhận và chuyển hồ sơ TTHC như trước mà phải là cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, có phẩm chất đạo đức và kỹ năng giao tiếp tốt. Đặc biệt, cơ bản phải từ cấp Phó trưởng phòng hoặc tương đương trở nên để có đủ thẩm quyền trực tiếp giải quyết TTHC của ngành ngay tại Trung tâm”, ông Tô Xuân Thao, Giám đốc TTHC tỉnh khẳng định như vậy. Cũng theo ông Thao, mỗi cán bộ tại Trung tâm không chỉ có thái độ ứng xử tốt, tận tình hướng dẫn mà còn phải ăn ngủ với hồ sơ để đảm bảo thời gian trả kết quả, tạo điều kiện tốt nhất cho công dân.
Theo Trung tâm HCCC, hiện tại tổng số cán bộ làm việc tại Trung tâm là 64, trong đó có 15 cán bộ chuyên trách, 49 cán bộ Sở, ngành cử đến làm việc. (trong đó có 2 Trưởng phòng và tương đương; 25 Phó trưởng phòng và tương đường cùng 22 chuyên viên). Bên cạnh đó, 41 lãnh đạo các Sở, ngành thường xuyên bố trí thời gian phù hợp hàng ngày để ký phê duyệt TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị ngay Trung tâm.
Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, mặc dù đặc thù của cán bộ đến làm việc tại Trung tâm là phải tiếp xúc trực tiếp với công dân để hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt hồ sơ TTHC; tiếp nhận, xử lý các phản ánh kiến nghị của công dân; chịu sức ép về công việc lớn, tuân thủ thời gian làm việc…nhưng tinh thần thái độ luôn phải niềm nở với công dân, chất lượng thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm chính là hình ảnh, thương hiệu của cơ quan, đơn vị và là một trong những yếu tố quyết định thành công của mô hình TTHCC.
Theo đánh giá của tỉnh Quảng Ninh, đến nay hầu hết cán bộ tại Trung tâm đều cơ bản đáp ứng được theo yêu cầu chung với tinh thần trách nhiệm cao, thái độ phục vụ tận tình, giao tiếp ứng xử đúng mực…tạo được niềm tin và sự thân thiện với tổ cá nhân trong quá trình giải quyết TTHC tại đây. Kết quả đánh giá sự hài lòng của các tổ chức, cá nhân tổng hợp qua các kênh đạt tỉ lệ trung bình từ 97 đến 98,9%.
Phải có văn bản xin lỗi khi hồ sơ bị chậm trả
Có mặt tại Trung tâm HCC tỉnh vào một ngày đầu tháng 8, chúng tôi thấy các khu vực làm việc thuộc các đơn vị, Sở, ngành rất đông người nhưng không ồn ào, cũng không thấy cán bộ tỏ ra khó dễ với dân.
Chúng tôi gặp chị Hà Thị Ngân (ở Hà Tu, TP. Hạ Long) khi chị Ngân đang làm thủ tục tại bộ phận xuất nhập cảnh thuộc Công an Quảng Ninh. Chị Ngân cho biết, chị đến đây làm hộ chiếu và cảm thấy rất hài lòng trước thái độ cũng như cách làm việc của các cán bộ tại đây.
Tương tự anh Trần Quang (ở Cao Xanh, TP. Hạ Long) cũng cho biết, anh đến Trung tâm làm thủ tục về nhà đất. Tại đây anh Quang được các cán bộ hướng dẫn cụ thể để anh hoàn thiện hồ rồi tiếp nhận để xử lý. “Giờ tôi chỉ việc lướt mạng và ngồi chờ cán bộ trả kết quả”, anh Quang vui vẻ nói.
Theo Trung tâm HCC, hiện nay, 100% các TTHC đưa vào giải quyết tại Trung tâm được xây dựng qui trình giải quyết đảm bảo rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và được cập nhật công bố, niêm yết công khai, minh bạch tại Trung tâm HCC các cấp, Cổng thông tin điện tử tỉnh…
Chất lượng giải quyết hồ sơ TTHC của Trung tâm các cấp thực hiện tốt, đảm bảo đúng thời gian qui định. Đặc biệt, tại Trung tâm HCC tỉnh, các Sở, ngành đã thực hiện nghiêm túc qui định về việc buộc phải có văn bản thông báo tới người dân, doanh nghiệp khi phải yêu cầu bổ sung hồ sơ và phải có văn bản xin lỗi khi giải quyết hồ sơ quá hạn.
Giải quyết thủ tục nhanh gọn với phương châm tiết kiệm thời gian cho dân.
Từ sự ưu việt từ mô hình cùng với sự nỗ lực, cố gắng trên, Trung tâm đã xử lý một lượng hồ sơ TTHC rất lớn kể từ khi thành lập. Cụ thể, theo thống thống kê của Trung tâm HCC, trong 3 năm từ 2016 đến nay Trung tâm đã tiếp nhận 132.947 hồ sơ TTHC, đã gải quyết trả kết quả 132.728 hồ sơ trước hạn và đúng hạn (đạt 99%).
Tác giả: Hải Sâm - P. Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn