Đó là đánh giá của các chuyên gia tại cuộc giao lưu trực tuyến “Giải pháp nào để Quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống” do báo điện tử Đảng Cộng sản tổ chức sáng 20/3/2019.
Trao đổi về các vấn đề đặt ra, TS.Nhị Lê – Phó Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản cho rằng, thời giam qua, đối với cán bộ Đảng viên, việc xử lý kỷ luật và xử lý trước pháp luật chưa nghiêm. Dân gian cũng râm ran chuyện hình như cán bộ giữ trọng trách trong Đảng cùng phạm một tội lại bị xử phạt nhẹ hơn những người bình thường phạm tội đó.
Tuy niên, chưa bao giờ như bây giờ, với tinh thần xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, tinh thần thượng tôn pháp luật, cán bộ, Đảng viên phải chấp hành vô điều kiện kỷ luật Đảng, việc thực thi pháp luật công minh, bình đẳng với mọi công dân.
TS Nhị Lê đánh giá, việc này chính là một cội nguồn của niềm tin. Theo đó, kỷ luật Đảng cũng bình đẳng với mọi Đảng viên, dù là Đảng viên giữ cương vị, trọng trách nào.
“Qua những đại án mới đây, nhất là trong 2 năm 2017, 2018, có thể thấy, việc xem xét kỷ luật không loại trừ một cấp nào, nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không trừ một ai” – ông Nhị Lê nhấn mạnh.
Theo TS. Nhị Lê, việc nêu gương trong Đảng thể hiện trước hết về vấn đề xử lý kỷ luật. Nếu Đảng viên vi phạm kỷ luật, đặc biệt Đảng viên giữ trọng trách cao thì phải xử lý nghiêm khắc hơn bình thường.
Ông Nguyễn Đức Hà - nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức Điều lệ, Ban Tổ chức Trung ương phân tích, việc xử lý kỷ luật với những cán bộ cấp cao vừa qua thể hiện tinh thần nêu gương, đề cao kỷ cương trong Đảng. Trong lịch sử Đảng, cũng từng có một số cán bộ ở cấp lãnh đạo cao nhất trong Đảng bị xử lý kỷ luật, như sau sai lầm của cải cách ruộng đất hay trong thời kỳ cục diện thế giới chao đảo…
Xử lý kỷ luật cán bộ thời kỳ này về những vấn đề liên quan đến tham nhũng thì là một bài học từ thực hiện, một điểm mới.
“Giờ các cơ quan xử lý kỷ luật với cả những cán bộ đương chức và nguyên chức. Thực tế vừa qua, có rất nhiều cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật nhưng là vi phạm từ nhiều năm trước.Vậy nên Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý Đảng viên vi phạm mới đưa ra quy định về thời hiệu xem xét xử lý kỷ luật. Nếu sai phạm đến mức độ khiển trách thì thời hiệu xem xét là 5 năm, vi phạm đến mức độ cảnh cáo thì thời hiệu 10 năm, sai phạm đến mức cách chức thì vẫn cách các chức từ thời điểm có sai phạm” – ông Hà nhắc tới con số hơn 60 cán bộ cấp cao “dính” kỷ luật vừa qua, trong đó nhiều người bị xem xét vì những sai phạm cách đây 5-10 năm.
Đây chính là chế tài mới để khắc phục vấn nạn tư duy nhiệm kỳ, để loại bỏ thói quen nể nang lâu nay khi cho rằng những người từng đảm nhiệm vị trí nay đã chuyển công tác khác hay đã nghỉ hưu thì coi như “hạ cánh an toàn”. Theo ông Hà, đây là bước tiến trong xử lý, quản lý cán bộ, Đảng viên, trong việc thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương.
Cán bộ từ chức khi thấy không đủ năng lực, uy tín, sức khoẻ
PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh - nguyên Phó trưởng Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương cho rằng nên phát động xây dựng văn hóa từ chức. Nghĩa là từ quy định về nêu gương nhưng khi đảng viên đã phát hiện góp ý mà sửa chữa chậm, nhiệm vụ không hoàn thành tốt, mắc sai lầm thì nên từ chức.
Ông Nguyễn Đức Hà cho rằng cán bộ cấp cao cần gương mẫu. Cho nên trong quy định của TƯ lần này nêu “không những phải gương mẫu phê bình, tự phê bình mà mở ra để thực hiện văn hóa từ chức”.
Cụ thể, quy định trách nhiệm nêu gương yêu cầu cán bộ cấp cao phải dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm về mình, đừng đổ cho tập thể, khách quan. Phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không đủ năng lực, uy tín, sức khoẻ để đảm nhận công việc.
“Nếu thấy mình năng lực hạn chế thì xin từ chức để người có năng lực làm. Nếu thấy mình uy tín thấp thì xin từ chức để người khác uy tín hơn làm. Nếu thấy mình sức khoẻ không đảm bảo thì từ chức để người khỏe làm” - ông Hà nói.
Theo ông Hà, quy định nêu gương của Trung ương đã có hiệu ứng tích cực ngay trong Đảng. Nhắc lại vụ việc xe biển xanh của Bộ Công thương đón người nhà Bộ trưởng tại chân cầu thang máy bay xảy ra ngay khi quy định nêu gương được ban hành, gây hiệu ứng mạnh mẽ sau đó, từ dư luận, ông Hà quả quyết về tính thời điểm của việc ban hành quy định.
Ông Hà nhận định, quy định nêu gương sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống: “Tôi tin rằng bản thân các đồng chí ở Trung ương tự nghiêm khắc với mình, có sự kiểm tra, giám sát của Đảng, nhân dân. Có gì đó dân lấy điện thoại quay không chối được”.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn