Xây dựng quy định, Bộ xin ý kiến Chính phủ rồi “để quên góc nào”

Thứ sáu - 22/03/2019 18:03
(Dân trí) - Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, việc trốn tránh, tham mưu chính sách không phải vì cuộc sống mà chỉ để… cho xong, gây cản trở cho phát triển… là lý do khiến nhiều quy định đưa ra không khả thi, sơ hở để doanh nghiệp lợi dụng chiếm thị trường, gây tranh cãi, thậm chí là phản ứng.

Chủ trì cuộc họp kiểm tra việc xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đối với 12 Bộ, ngành trong chiều 22/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh chỉ đạo của Thủ tướng với nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, hoàn thành các văn bản hướng dẫn còn nợ đọng.

Xây dựng quy định, Bộ xin ý kiến Chính phủ rồi “để quên góc nào”

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng

“Động chạm” nội dung nhạy cảm mà không đánh giá tác động

Theo đó, Thủ tướng đặc biệt lưu ý, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp chỉ đạo, tập trung nguồn lực, nâng cao chất lượng, bảo đảm tiến độ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cũng như các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc xem xét, cho ý kiến với các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

“Bộ Tư pháp phải có cách thức hiệu quả, sâu sát và thẳng thắn hơn trong việc kiểm tra các văn bản, từ đó kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý văn bản có quy định trái pháp luật hoặc cài cắm bảo vệ lợi ích của ngành, địa phương, không vì lợi ích chung, gây khó khăn cho người dân, DN, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội” - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật không còn phù hợp.

Từng cán bộ làm công tác thể chế, kể cả cấp chuyên viên, đều phải trách nhiệm, tâm huyết, công tâm. Tham mưu, đề xuất phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phải tháo gỡ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về thể chế đang gặp phải, không cài cắm lợi ích công vụ, lợi ích ngành, địa phương.

Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng nêu thực tế, một số văn bản được ban hành mà tính khả thi chưa cao, còn kẽ hở để một số doanh nghiệp lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường. Một số văn bản gây tranh cãi, thậm chí phản ứng mạnh mẽ, những nội dung nhạy cảm không đánh giá hết tác động.

Ông Dũng dẫn thông tư 08 về nhập khẩu phế liệu đang gây ách tắc, Thủ tướng phải ra văn bản yêu cầu hủy bỏ.

Lãnh đạo không thể… trốn tránh

Xây dựng quy định, Bộ xin ý kiến Chính phủ rồi “để quên góc nào” - Ảnh minh hoạ 2

Cuộc họp kiểm tra tiến hành với 12 Bộ, ngành

Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH-ĐT Quách Ngọc Tuấn báo cáo tiến độ ban hành 3 nghị định và 2 thông tư thi hành luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các văn bản hướng dẫn luật Quy hoạch đã trình dự thảo và lấy ý kiến các thành viên Chính phủ.

Ông Tuấn cho biết, do việc lập quy hoạch, cách tiếp cận tích hợp đa ngành của luật Quy hoạch là vấn đề mới, có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên Bộ đã nhiều lần hoàn thiện, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp. Trên cơ sở kết quả cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày 14/3/2019, Bộ KH-ĐT đang hoàn thiện dự thảo để trình Chính phủ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhắc, Nghị định về quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ từ khi trình đến nay hơn 1 năm rồi chưa ban hành được, nợ quá lâu, cần phải trình sớm.

Về văn bản liên quan luật Quy hoạch, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lưu ý cách tiếp cận của cơ quan tham mưu là Bộ KH-ĐT khó khả thi.

“Văn phòng Chính phủ đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ là nếu ban hành như tham mưu của Bộ KH-ĐT thì chúng tôi không thể làm được, các địa phương cũng không làm được” - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ lưu ý, ban hành văn bản phải vì cuộc sống, chỉ để cho hết nợ đọng thì không có giá trị gì cả.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, khó nhất là liên quan đến khoảng trống pháp lý thì xử lý thế nào, khi quy hoạch quốc gia chưa tích hợp. Vì vậy cơ quan tham mưu phải chủ động.

Ông nhắc, lẽ ra khi ban hành luật phải có nghị định kèm theo nhưng không có. Bây giờ luật có hiệu lực lại bảo nghị định vướng không làm được.

“Ông là người tham mưu mà nói vướng thì người khác làm sao được. Cái này không cẩn thận sẽ là rào cản của tăng trưởng” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị đại diện Bộ KH-ĐT nói rõ thời gian hoàn thành nghị định này.

Tuy nhiên đại diện Bộ KH-ĐT “nước đôi”, sẽ trình trong thời gian sớm nhất, sau khi tiếp thu đầy đủ ý kiến các thành viên Chính phủ.

“Cụ thể là ngày nào? Việc lấy ý kiến các thành viên Chính phủ thì biết rồi, nhưng lấy ý kiến về rồi để hàng tháng không tiếp thu được thì lấy để làm gì? Chắc lấy xong để ở góc nào quên rồi” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vặn lại.

Đại diện Bộ KHĐT vẫn không có câu trả lời cụ thể, chỉ cho biết sẽ trình trong thời gian sớm nhất, khi hoàn thiện dự thảo ngay khi nhận đủ ý kiến các thành viên Chính phủ.

Tổ trưởng Tổ công tác gay gắt: “Anh đại diện cho Bộ phát biểu, anh phải hứa được thời gian trình cụ thể, không thể trốn tránh được. Anh cấp vụ đi họp thay, là đại diện cấp bộ chứ không phải là cá nhân. Anh phải xin ý kiến lãnh đạo Bộ để hứa trước việc này. Anh hứa là Bộ trưởng hứa, chứ không phải anh hứa là của anh. Đề nghị chậm nhất 30/3 phải xong”.

Đại diện Bộ KH&ĐT giải thích thêm, về nghị định hướng dẫn luật quy hoạch, Bộ đã chủ động hoàn thiện và báo cáo lại Chính phủ trong tuần tới sau khi nhận được thông báo kết luận cuộc họp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ngày 14/3/2019.

P.Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây