Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận chiều 12/9 về kết quả công tác phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý năm 2019 của UB Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh tán thành với nhận xét, tình hình phòng chống tội phạm, phòng chống tham nhũng 2019 có nhiều tiến bộ, nhiều chỉ tiêu đạt được cho thấy chất lượng hoạt động. Các vụ việc phát sinh được xử lý tốt. Ngành toà án chưa phát hiện việc gây oan sai. Những sai sót của VKS trước đây cũng được khắc phục. Công an đảm bảo an ninh, đảm bảo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, mảng kinh tế cần làm rõ hơn về các hoạt động có yếu tố nước ngoài khi trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, có nhiều đối tượng vào Việt Nam lợi dụng địa bàn để hoạt động tội phạm. Những hiện tượng như lợi dụng không gian mạng internet để đánh bạc, buôn bán ma tuý đã bộc lộ.
“Có địa bàn để hàng trăm người nước ngoài vào hoạt động tội phạm, vận hành đường dây đánh bạc trong thời gian dài mà chính quyền không kiểm soát được thì những nơi khác có như vậy, có chắc là các nơi khác không diễn biến tương tự?” – ông Thanh đề cập vụ đường đây của hàng trăm người Trung Quốc hoạt động tại một khu đô thị ở Hải Phòng thời gian qua.
Chủ nhiệm UB Kinh tế cũng đề cập, giám sát về quy hoạch và sử dụng đất đai vừa qua từng nêu thông tin, nhà đầu tư nước ngoài “mượn danh” người Việt để mua nhà, đất đai ở những địa bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng. Chỉ đạo mới đây nhất của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu làm rõ, khắc phục hiện tượng đầu tư núp bóng, chuyển giá, trốn thuế…
“Cần báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tới về những tình trạng “núp bóng”, “mượn danh”… lắt léo có yếu tố nước ngoài như này” – ông Thanh nói.
Chủ nhiệm UB Kinh tế đề cập nội dung khác là thu hồi tài sản từ các vụ án kinh tế, tham nhũng, kết quả được báo cáo dù đã tốt hơn nhưng số liệu cuối cùng, tỷ lệ tài sản thu hồi được vẫn rất thấp so với số thiệt hại tội phạm gây ra. Ông Vũ Hồng Thanh đề cập, ngoài thông tin về vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam, việc khắc phục tài chính rất tốt thì hầu hết các vụ việc khác, số tiền thu hồi được vẫn rất thấp.
“Cử tri hiện rất quan tâm về vụ AVG, số tiền nhận hối lộ tới nhiều triệu đô cho một đối tượng mà thu hồi mới chỉ 500 triệu đồng thì không biết đến bao giờ mới có thể thu hồi lại đủ mấy triệu đô như thế?” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu câu hỏi.
Bên cạnh đó, chuyện chậm kê biên, phong toả tài sản của những người phạm tội để đối tượng tẩu tán tài sản vẫn xảy ra. Ông Thanh phân tích, nghịch lý là chuyện này không phải đến giờ mới bật ra mà đã từng được nói nhiều rồi, vấn đề là xử lý, khắc phục chưa tốt nên tiếp tục gây thất thoát tài sản của nhà nước, nhân dân.
Ngoài ra, Quốc hội cũng từng chất vấn chuyện cơ quan chức năng để các đương sự khi bị khởi tố, có quyết định bắt giữ để điều tra mới biết đối tượng đã trốn đi nước ngoài. Vậy mà đến giờ, tình trạng đó vẫn tiếp diễn, mới nhất là vụ cán bộ ở TPHCM (cựu Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Đào Thị Hương Lan - PV). Mà khi đối tượng đã trốn, việc khắc phục rất khó khăn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu mở rộng vấn đề, một yêu cầu được đặt ra khi xử lý án tham nhũng là cố gắng thu hồi tài sản. Nhưng thực tế, so với số tuyên án, tỷ lệ tài sản thu hồi được vẫn còn rất thấp. Ông Lưu đề nghị trao đổi về hướng cho tiến hành việc niêm phong, kê biên tài sản của các đối tượng trong quá trình khởi tố vụ án, điều tra vụ án để tránh hành vi tẩu tán, làm thất thoát tài sản.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn