Sáng 12/9, báo cáo về kết quả phòng chống tham nhũng (PCTN) năm 2019 được Tổng Thanh tra Lê Minh Khái trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét trong chương trình phiên họp thứ 37.
Tinh thần chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống
Khái quát chung, Tổng Thanh tra Chính phủ nhận định, trong năm 2019, với sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, sự giám sát của Quốc hội… công tác PCTN tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh, “không dừng”, “không nghỉ”, “không chùng xuống”.
Với cách làm bài bản, quyết liệt, đồng bộ, đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, công tác PCTN được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, qua đó, tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng, nhà nước trong công tác PCTN, giữ vững niềm tin của nhân dân.
Cụ thể, Chính phủ đã tăng cường phối hợp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc với quyết tâm cao hơn, quyết liệt hơn. Nhiều vụ án được mở rộng điều tra, khởi tố thêm nhiều bị can, làm rõ bản chất chiếm đoạt, tham nhũng, tiếp tục khẳng định quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong đấu tranh PCTN.
Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, nhìn chung, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm mặc dù vẫn còn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi.
Ông Lê Minh Khái nhấn mạnh, dự báo trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ tiếp tục đạt được kết quả toàn diện, tích cực, đậm nét; tham nhũng bước đầu được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước trong công tác PCTN.
Tài sản tham nhũng thu hồi được thấp hơn nhiều tài sản bị chiếm đoạt
Về mặt hạn chế, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp. Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch, cung cấp thông tin trong hoạt động các cơ quan, tổ chức, đơn vị và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Trên nhiều lĩnh vực còn thiếu các biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém, rất ít vụ việc, vụ án được phát hiện qua tự kiểm tra trong nội bộ. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít.
Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu.
Bức xúc nổi lên là tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại. Vẫn còn xảy ra sai phạm, tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho xử lý tham nhũng tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn bất cập.
Chính phủ hướng tới giải pháp tăng cường theo dõi, đánh giá công tác PCTN trên phạm vi cả nước và từng bộ, ngành, địa phương theo các tiêu chí đã được Luật PCTN năm 2018 quy định. Tích cực thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật.
Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh giải pháp tăng cường các biện pháp dẫn độ, truy bắt tội phạm tham nhũng bỏ trốn và thu hồi triệt để tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn