Báo cáo về việc 3 năm thi hành luật Thủ đô của Chính phủ vừa được gửi tới các đại biểu Quốc hội.
Theo báo cáo, tính đến ngày 1/7/2016, thành phố Hà Nội đăng ký hộ khẩu khoảng 1,9 triệu hộ, với gần 7,4 triệu nhân khẩu. Số lượng nhân khẩu tạm trú, số lượng dân di cư tự phát vào nội thành Thủ đô những năm qua tăng đột biến. Tính đến nay, toàn thành phố có gần 70.000 hộ và 720.000 nhân khẩu tỉnh ngoài tạm trú.
Chính phủ đánh giá, việc quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú tối thiểu là 15 m2 sàn/đầu người được triển khai thực hiện năm 2015, bước đầu hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành.
Nhà 8B Lê Trực và khu resort giữa vườn quốc gia Ba Vì (Ảnh: Q.P)
Về những thay đổi liên quan đến chính sách, cơ chế tài chính, ngân sách từ khi có luật Thủ đô, báo cáo nêu rõ, từ năm 2013 đến nay, thành phố đã được Trung ương hỗ trợ 29 dự án hạ tầng trọng điểm, có tổng mức đầu tư (tất cả các nguồn vốn) là 107.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố còn có 227 dự án lớn, quan trọng do bộ, ngành trung ương đầu tư, với tổng mức vốn xấp xỉ 192.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong giai đoạn này thành phố cũng đã huy động được trên 530 tỷ đồng đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân cho đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội.
Như vậy, việc thực hiện Luật Thủ đô bước đầu đã tập trung huy động được những nguồn lực to lớn của xã hội, tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu một số hạn chế, vướng mắc, như tình trạng dân số cơ học vào nội thành vẫn tiếp tục tăng trong nội thành. Lý do là do quy định tại khoản 4 điều 19 của Luật Thủ đô mới đặt ra điều kiện được đăng ký hộ khẩu của khu vực nội thành, trong khi việc đăng ký tạm trú vẫn được thực hiện theo quy định của Luật Cư trú mà không có bất cứ điều kiện ràng buộc nào.
Chính phủ cũng nhìn nhận, vẫn còn tình trạng chấp hành chưa nghiêm pháp luật nói chung và pháp luật về Thủ đô nói riêng của một số tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, giao thông vận tải, đất đai, môi trường...
Chẳng hạn như một số vụ việc điển hình liên quan đến xây dựng tòa nhà số 8B Lê Trực, xây dựng khu Le Mont Resort & Spa tại vườn quốc gia Ba Vì; sập căn biệt thự ở 107 Trần Hưng Đạo...
Một trong những nguyên nhân của các hạn chế được đề cập tại báo cáo là bộ máy quản lý còn cồng kềnh, phức tạp, thiếu sự linh hoạt.
Chính phủ cũng nêu nhiều kiến nghị với Quốc hội, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung khoản 4 điều 16 của Luật Thủ đô, theo hướng cho phép thành phố phát triển các khu nhà ở xã hội tập trung có quy mô tương ứng 25% diện tích đất ở hoặc diện tích nhà của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn.
Quy định này thay thế cho việc phải dành diện tích quỹ đất hoặc quỹ sàn nhà ở xã hội trong từng dự án khu nhà ở, khu đô thị theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Thủ đô.
Theo quy định mới, chủ đầu tư các khu nhà ở, khu đô thị phải nộp bằng tiền tương đương với giá trị quỹ đất 25% để hỗ trợ cho việc đầu tư các khu nhà ở xã hội tập trung hoặc hỗ trợ cho đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội thay vì phải dành tỷ lệ diện tích đất ở, nhà ở 25% (hoặc cao hơn) để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới.
P.Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn