Thông tin TPHCM xin giữ nguyên tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố mới đây đang gây nhiều tranh luận. Với cương vị Phó Bí thư Thành ủy, bà có thể lý giải cặn kẽ đề xuất này?
Xin được giữ nguyên tỷ lệ để lại (23% - PV) là để thành phố chủ động trong đầu tư giải quyết những điểm nghẽn của thành phố. Hiện nay thành phố có một số điểm nghẽn đòi hỏi phải có sự chủ động để có “vốn mồi” mời gọi xã hội hóa.
Ví dụ, đầu tư cho hạ tầng giao thông là lĩnh vực cần có độ trễ vì thu lời chậm, muốn mời xã hội hóa thì phải có vốn niềm tin cơ sở, vốn mồi. Hay vấn đề môi trường, TPHCM đang cực kỳ khó khăn trong vấn đề này. Rồi đầu tư cho hạ tầng xã hội. Thành phố hiện có hơn 10 triệu dân nhưng thống kê chỉ hơn 7 triệu. Số chênh là từ nhóm lao động vãng lai từ các tỉnh đổ về.
Thành phố chưa bao giờ nghĩ lao động vãng lai làm gánh nặng cho thành phố mà luôn xác định đó là nguồn lực, phải chung sức để tạo ra của cải, sản phẩm cho xã hội. Vì thế, phần tập trung lo cho con người rất là lớn. Khi kinh tế khó khăn là tính ngay đến chuyện công nhân ở trọ không có tiền thuê trọ hay chuyện công nhân sẽ gửi con như thế nào, chuyện trường học cho con em công nhân ra sao để họ yên tâm lao động sản xuất…
Và tất cả những việc đó đều cần phải có nguồn lực.
Một câu chuyện cấp thiết được viện dẫn là nguồn lực để lo việc chống ngập cho thành phố. Nhưng liệu có thể khẳng định, điểm nghẽn này sẽ được giải quyết nếu được giữ nguyên tỷ lệ ngân sách để lại?
Tất nhiên không chỉ phần ngân sách đó mà lo được nhưng chắc chắn sẽ giảm được vì vừa rồi Chính phủ cũng đưa vốn 10.000 tỷ đồng để giúp cho thành phố chống ngập lụt.
Rõ ràng chỉ phần vốn thành phố xin để lại khó có thể giải quyết được mọi vấn đề mà Chính phủ cũng phải hỗ trợ cho thành phố trong thời gian tới. Nhưng tôi muốn nói, đó là vốn để thành phố có thể chủ động giải quyết những vấn đề đang cản trở sự phát triển của mình mà nếu cắt giảm nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Nếu cắt đột ngột, thành phố sẽ không trở tay kịp và tác động đến tăng trưởng của thành phố, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng của cả nước.
Biết là việc cắt giảm tỷ lệ thu ngân sách để lại là khó khăn với thành phố nhưng Thủ tướng đã nêu quan điểm, TPHCM cần chủ động nhiều nguồn lực, chia sẻ với cả nước. Bà nghĩ sao về trách nhiệm của đầu tàu kinh tế với cả nước khi TPHCM cũng đã nhận được nhiều sự góp sức, chung tay?
Phát huy tiềm năng và lợi thế của thành phố “đầu tàu” thì nó sẽ “đẻ trứng vàng”. Đó là giải pháp tốt nhất chứ nếu không nuôi, nó không thể “đẻ trứng” hoặc trứng sẽ không đạt chất lượng. Và như vậy, nền kinh tế của đất nước sẽ tăng trưởng vì thành phố đóng góp hơn 30% vào ngân sách.
Thiếu nguồn lực thì chúng ta cũng phải thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu thường xuyên để tăng đầu tư cho TPHCM, hay nói cách khác dồn kinh tế cho đứa con có khả năng hơn, khi nó khá giả nó sẽ đóng góp cho cha mẹ để có nguồn đầu tư phát triển gia đình đó.
Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn các đại biểu Quốc hội chia sẻ. Nếu như Quốc hội thực hiện như Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị là tốt nhất, có nghĩa là giữ nguyên và tăng tỷ lệ điều tiết cho thành phố trong một giai đoạn nhất định, và đi kèm đó là đặt ra một số yêu cầu đối với thành phố ví dụ như mục tiêu tăng trưởng như thế nào, tỷ lệ để lại chi cho đầu tư phát triển có mục tiêu như thế nào để thành phố có sự chủ động. Nó thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền như Hiến pháp đã nêu.
Đó cũng là điều kiện để chúng tôi có thể thực hiện thành công đại hội X của thành phố với 7 đột phá. Lúc đó, chúng tôi sẽ giải quyết được ngập lụt, kẹt xe. Bởi nếu chỉ trông chờ sự hỗ trợ của Chính phủ thì thành phố sẽ thiếu sự chủ động, làm bị động đến kế hoạch mà thành phố đã lên kế hoạch 5 năm.
63 tỉnh, thành, mỗi địa phương đều có một lợi thế riêng. Đầu tư vào lợi thế nào đúng thì sẽ làm cho đất nước phát triển chứ đầu tư dàn trải thì tình hình đã khó lại càng khó hơn, đã yếu lại càng yếu hơn. Vậy nên tôi cho rằng, phải dám quyết định, đầu tư vào những nơi đột phá, có khả năng. Theo tôi đó là sự đầu tư thông minh.
Xin cảm ơn bà!
P.Thảo (ghi)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn