Đây là nội dung một trong những đề án được trình Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII thảo luận, quyết định tại hội nghị lần thứ 6 vừa kết thúc sáng nay, 11/10. Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát, làm rõ thêm các vấn đề.
Khả năng hoàn thành vượt mức cả 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội
Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, 2018, Tổng Bí thư nêu rõ, Ban Chấp hành Trung ương nhất trí với đánh giá, trong 9 tháng đầu năm 2017, nhờ sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, kinh tế - xã hội đất nước tiếp tục chuyển biến tích cực, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá, quý sau cao hơn quý trước; quý III tăng 7,46%, nâng mức tăng trưởng bình quân 3 quý lên 6,41%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát…
“Dự báo đến cuối năm 2017, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, Tổng Bí thư cho biết.
Tuy nhiên, người lãnh đạo đứng đầu Đảng cũng lưu ý, nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Trong những tháng cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% như đã đề ra, cần dồn sức giải ngân thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; huy động nguồn lực xã hội để phát triển sản xuất kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất công nghiệp, nhất là dầu khí và than.
Năm 2018, Tổng Bí thư nhắc nhở, cần tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Tạo chuyển biến rõ rệt trong việc thực hiện 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển văn hóa, thực hành dân chủ và công bằng xã hội.
Ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Chuyển chính sách kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển
Một nội dung khác được Tổng Bí thư đúc kết sau chương trình nghị sự tại hội nghị Trung ương 6 là về đề án đổi mới công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Theo Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó ngành y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt.
Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho đông đảo nhân dân, đồng thời khuyến khích dịch vụ theo yêu cầu.
Nêu bật nguyên tắc, nghề y là một nghề cao quý với nhiều đặc thù riêng, Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ, đổi mới mạnh mẽ lĩnh vực y tế và các ngành có liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân; tăng cường y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe gắn với đổi mới, phát huy vai trò của hệ thống y tế cơ sở.
Hệ thống y tế cơ sở phải nắm chắc, quản lý, theo dõi sức khỏe của từng hộ, từng người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc các bệnh mãn tính theo đúng nguyên lý y học gia đình, chăm sóc tại cộng đồng, hạn chế việc phải nhập viện; khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh…
Về công tác dân số trong tình hình mới, Tổng Bí thư khái quát, Ban Chấp hành Ban Chấp hành Trung ương đánh giá cao những cố gắng và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc thực hiện công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình ở nước ta nhiều năm qua với kết quả quan trọng. Việt Nam được thế giới đánh giá là “điểm sáng” về công tác dân số.
Tuy nhiên, Trung ương Đảng cũng nhận định tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Ở trong nước, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước cũng bắt đầu phát sinh những hệ lụy cần sớm được khắc phục, đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số.
Trong đó, có việc chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững. Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn