Ở Hội nghị Tỉnh ủy phiên bất thường bằng hình thức trực tuyến ngày 16/4, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình bày các tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chương trình phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; đề án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP Huế; đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; cơ chế chính sách đặc thù với Thừa Thiên Huế.
TP Huế sẽ được mở rộng và sắp xếp. Theo đó, địa giới hành chính của các 13 xã, phường ở các huyện, thị xã sẽ được gộp vào TP Huế, gồm: xã Thủy Bằng, Thủy Vân (thị xã Hương Thủy); phường Hương Hồ, Hương An, xã Hương Thọ, Hương Vinh, Hương Phong, Hải Dương (thị xã Hương Trà); xã Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang).
Trong số 13 xã, phường được nhập vào TP Huế sẽ thành lập thêm 4 phường là: Hương Vinh, Thủy Vân, Phú Thượng, Thuận An trên cơ sở diện tích tự nhiên và dân số hiện có của mỗi địa phương.
Toàn bộ địa giới hành chính phường Phú Cát và phường Phú Hiệp sẽ thành phường Gia Hội; Phú Bình và Thuận Lộc thành phường Thuận Lộc; Phú Hòa và Thuận Thành thành phường Thuận Thành. Một số diện tích tự nhiên và dân số của phường Phú Thuận nhập vào phường Tây Lộc; một phần phường Phú Thuận vào phường Thuận Hòa…
Nhằm phát triển đô thị của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 thì nhu cầu về vốn đầu tư khoảng 66.466 tỷ đồng và được phân theo từng giai đoạn để thực hiện. Ngoài hạ tầng kỹ thuật (hệ thống giao thông đối ngoại; giao thông kết nối các trung tâm đô thị vùng - nâng cấp hạ tầng kỹ thuật nội thị), tỉnh sẽ tập trung đầu tư hạ tầng thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu; hạ tầng công nghiệp; công cộng; văn hóa; y tế; giáo dục đào tạo; thông tin và truyền thông; khoa học công nghệ.
Đối với đề án xây dựng Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thì cơ chế chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh xây dựng.
Trong đó, kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép mô hình đô thị của tỉnh là “Thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương” với khu vực lõi là TP Huế mở rộng, Thị xã Hương Trà, Thị xã Hương Thủy, Thị xã Phong Điền (huyện Phong Điền chuẩn bị chuyển lên thị xã) và đô thị Chân Mây theo định hướng tại Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Mô hình này là mô hình đặc thù, không thành lập các quận nội thành nhưng trong tương lai sẽ hình thành các quận.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đã yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh hoàn thiện các đề án, chương trình, đồng thời xin ý kiến các bộ ngành liên quan để sớm trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Đề nghị các địa phương tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Như thông tin, vào tháng 9/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thông qua Đề án xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đô thị Huế được mở rộng bao gồm TP Huế hiện hữu (70,67 km2) và khu vực định hướng phát triển, mở rộng đô thị thuộc phạm vi các thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và một phần huyện Phú Vang. Thành phố Huế sau khi được mở rộng sẽ có tổng diện tích khoảng 348,54 km2, gấp 5 lần so với diện tích hiện tại.
Cũng theo nghị quyết của Bộ Chính trị vào tháng 12/2019, Thừa Thiên đến năm 2025 sẽ trở thành TP trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đại Dương
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn