Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu nghi ngại này khi điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) của UB Thường vụ Quốc hội sáng 20/4, trong khuôn khổ phiên họp 44.
Tính nguồn tiền chi trả việc "bù lỗ" cho dự án PPP
Báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau xung quanh dự luật này, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bản dự thảo mới nhất đã sửa đổi, bổ sung quy định về căn cứ, điều kiện áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro, tăng, giảm doanh thu với nhà đầu tư. Theo đó, không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.
Cụ thể, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP; việc chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định như dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn doanh thu cam kết; đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng nhưng vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu cam kết...
Theo ông Thanh, dự thảo luật cũng không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía nhà nước.
Về nguồn tiền để chi trả cho việc “bù lỗ”, Thường trực UB Kinh tế đề xuất 2 phương án: sử dụng nguồn dự phòng vốn đầu từ công trung hạn hoặc sử dụng nguồn chi thường xuyên để chi trả.
Về mức chia sẻ rủi ro, dự thảo luật đề xuất, khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc bù lỗ; khi doanh thu thực tế đạt từ 125% trở lên, bắt đầu yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần doanh thu tăng lên, tỷ lệ chia sẻ 50%-50%.
Đề nghị các Ủy viên UB Thường vụ Quốc hội “mổ xẻ” kỹ về quy định này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ: “Tôi lo không cẩn thận, phần bù suốt cả đời dự án (hàng chục năm), còn lớn hơn mức đầu tư”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì phân tích, chia sẻ rủi ro là chủ trương lớn, quan trọng khi xây dựng luật này. Nếu không có cơ chế này thì sức hấp dẫn, khả năng thu hút đầu tư từ nguồn lực tư nhân rất thấp. Vậy nên, quan điểm chung của các cơ quan là nên ủng hộ quy định. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước đều có quy định về việc chia sẻ rủi ro này.
Giải trình thêm, Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư (cơ quan chủ trì soạn thảo luật) Nguyễn Chí Dũng mong muốn cam kết bảo đảm doanh thu này được đưa vào luật vì nếu không, khó tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư, khó thu hút nguồn lực tư nhân tham gia các dự án đầu tư công.
Ông Dũng cũng khẳng định, dự luật hiện quy định rất chặt chẽ, rủi ro được xác định, trước hết phải là do “lỗi” của nhà nước gây ra. Việc chia sẻ thực hiện ở cả 2 chiều, chia sẻ rủi ro thua lỗ và chia sẻ cả doanh thu tăng thêm. Điều kiện chia sẻ, theo Bộ trưởng, như vậy là vừa chặt vừa công bằng.
Lĩnh vực kêu gọi PPP rộng, nhà nước đối mặt rủi ro tầm quốc gia
Một nội dung khác của dự thảo luật được chỉnh lý lần này là thu hẹp lĩnh vực huy động đầu tư PPP, chỉ tập trung ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Báo cáo giải trình, tiếp thu của UB Kinh tế nêu rõ, kinh nghiệm triển khai đầu tư PPP của các quốc gia khác cũng chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định, không làm tràn lan vì việc mở rộng cơ chế đầu tư PPP có khả năng dẫn đến rủi ro ở cấp độ quốc gia.
Theo báo cáo của Chính phủ về tổng kết 20 năm thực hiện dự án PPP, có 336 dự án PPP đã được triển khai, trong đó lĩnh vực giao thông có 220 dự án, năng lượng (xây dựng nhà máy điện) có 18 dự án, giáo dục có 6 dự án, hạ tầng kỹ thuật (cấp, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải; xây dựng nhà ở tái định cư, hạ tầng ký túc xá...) có 32 dự án.
Dự thảo luật lần này quy định 5 nhóm lĩnh vực được lựa chọn là những lĩnh vực quan trọng, thiết yếu liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng (giao thông), cung cấp dịch vụ thiết yếu (điện, nước, xử lý môi trường), bảo đảm an sinh xã hội (y tế, giáo dục), phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 (hạ tầng công nghệ thông tin).
Chủ nhiệm UB Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát quy định của dự thảo 5 về lĩnh vực đầu tư dự án PPP đối với hệ thống truyền tải điện để thống nhất với quy định của Luật điện lực, vì cho rằng truyền tải điện là lĩnh vực độc quyền của Nhà nước nhằm bảo đảm an ninh nhà nước trong lĩnh vực truyền tải điện.
Theo phân tích từ dự thảo báo cáo, đầu tư PPP không phải là đầu tư tư nhân thuần túy nên quyền kiểm soát, quyết định các yếu tố liên quan đến phát triển điện, cung ứng dịch vụ truyền tải điện vẫn phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện, do đó việc cho phép đầu tư PPP trong lĩnh vực lưới điện không trái với quy định độc quyền của nhà nước tại luật Điện lực.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn