Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tập trung, khẩn trương kết thúc điều tra đưa các vụ án như vụ Trịnh Xuân Thanh.
Thông báo vừa phát đi từ Văn phòng Trung ương Đảng thể hiện, ngày 25/11/2017 tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Thường trực Ban Chỉ đạo) tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả, khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử với một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
4 đại án có kết quả
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương Đảng uỷ Công an Trung ương, Ban cán sự đảng VKSND tối cao, Ban cán sự đảng TAND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Ban Nội chính Trung ương, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương nỗ lực, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xác minh các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Tổng Bí thư khái quát, từ sau Phiên họp thứ 12 (ngày 31/7/2017) của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan chức năng đã tích cực, khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp với mức án nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận đánh giá cao.
Các cơ quan đã tích cực, khẩn trương đưa vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử.
Những mức án nghiêm minh theo quy định của pháp luật đã được đưa ra (1 án tử hình, 1 án chung thân).
Tổng Bí thư nhấn mạnh, qua xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm, các cơ quan chức năng còn làm rõ nhiều dấu hiệu sai phạm có liên quan đến lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN).
Trưởng Ban chỉ đạo cũng ghi nhận việc khẩn trương đưa vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Dự án B5 Cầu Diễn, Hà Nội ra xét xử Toà đã quyết định 1 án chung thân cho bị cáo.
Về vụ án Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC). Qua đó, cơ quan bảo vệ pháp luật đã khởi tố thêm 9 bị can là cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), Ban quản lý Dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch về các tội danh tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Căn cứ trên chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trưng ương về phòng chống tham nhũng, các cơ quan cũng tích cực điều tra, làm rõ nhiều sai phạm trong giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm.
Tiếp tục truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng
Quang cảnh cuộc họp do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 25/11
Về định hướng hoạt động thời gian tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và Quý I/2018.
Trong đó, Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017, tháng 1/2018 và đầu tháng 2/2018 theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, người lãnh đạo đứng đầu Đảng nhắc đến vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVC); Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác.
Tiếp đến là vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) (Vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm).
Cũng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng là vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại 4 Ngân hàng: Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (Vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm); Vụ Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm với phần án đã bị tuyên huỷ để điều tra, truy tố, xét xử lại.
Ngoài ra, tại cuộc họp ngày hôm nay, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất giao cơ quan có thẩm quyền xem xét khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc góp phần đưa một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ra xét xử đúng tiến độ theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Lãnh đạo Ban chỉ đạo giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo tiến độ, kết quả thực hiện.
Tác giả: N.S
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn