Ông Nguyễn Đức Hà là thành viên tổ soạn thảo đề án xây dựng, chỉnh đốn Đảng phục vụ cho Hội nghị Trung ương 4 khóa XII; cũng là thành viên tổ giúp việc cho Bộ Chính trị trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.
Ông Nguyễn Đức Hà: "Người đứng đầu Đảng nêu thông điệp làm đến nơi đến chốn trong chỉnh đốn Đảng là rất đáng chú ý".
Ông cho biết, 17 năm trước, Trung ương Đảng khóa VIII ra Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay. Còn tại Hội nghị TƯ 4 khoá XI, TƯ đã ra Nghị quyết 04 (NQ04) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Như vậy, khoá XII này, việc ban hành NQ04 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ có thể gọi là là NQ04 lần 2.
- Vậy có thể hiểu NQ04 lần 2 này là để tiếp tục thực hiện NQ04 lần 1, thưa ông?
- Không chỉ như vậy. NQ04 lần 2 này có phần thúc đẩy thực hiện tiếp, nhất là những vấn đề mà việc thực hiện NQ04 lần 1 chưa làm được hoặc làm chưa tốt. Ngoài ra, phạm vi đề cập tới của NQ lần này rộng hơn: cụ thể hóa, nêu rõ các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cùng nhiều giải pháp kèm theo. Với phạm vi như vậy, NQ04 lần này cụ thể hóa nhiệm vụ đầu tiên trong sáu nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội XII đề ra.
- NQ04 lần 2 thẳng thắn đánh giá, hiệu quả thực hiện NQ04 lần 1 còn hạn chế, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn hình thức, cần khắc phục. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Thực hiện NQ04 lần 1, trong các công việc đã triển khai thì nội dung tự phê bình và phê bình, đã làm khá rầm rộ, tuy nhiên về mặt nào đó, kết quả còn hạn chế.
Khóa XI làm theo cách truyền thống là “trên trước dưới sau”, “trong trước ngoài sau”, với hi vọng là trên thực sự gương mẫu để lan tỏa xuống dưới. Thực tế triển khai, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã kiểm điểm rất nghiêm túc, đến mức đề nghị kỷ luật một cá nhân, đồng thời kỷ luật cả tập thể Bộ Chính trị. Nhưng khi đưa ra Trung ương, đề nghị này lại không được ủng hộ. Đến cấp dưới thì trông chờ, xem trên thực hiện thế nào, thấy Trung ương không kỷ luật ai cả thì cũng… “xì hơi”, buông xuôi.
Cách làm ấy dựa trên quan điểm chú trọng đức trị, kêu gọi sự tự giác, thành khẩn, ý thức gương mẫu của đảng viên, nhất là cấp trên. Tuy nhiên, việc thực hiện còn thiếu giải pháp mạnh, tức chưa cân bằng yếu tố pháp trị. Đây một vấn đề mà NQ04 khóa XII có giải pháp khắc phục.
- Trong NQ04 lần này vẫn có giải pháp tự phê bình và phê bình mà như ông nói là dựa vào “đức trị”, vào ý thức tự giác của Đảng viên. Yếu tố “pháp trị” thể hiện thế nào, thưa ông?
- Tự phê bình và phê bình vẫn phải làm, nhưng cách làm có đổi mới. Lần này, những việc gì làm ngay được là các cấp, các ngành triển khai luôn, không chờ đợi gì cả. Tự phê bình, phê bình không làm như lần trước mà gắn với việc kiểm điểm công tác cuối năm, làm đồng thời các cấp luôn, chứ không “trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau” như khóa XI.
Ngoài ra, từng cấp, từng đơn vị sẽ chọn những việc nổi cộm, dư luận quan tâm, bức xúc tập trung tự phê bình, phê bình kết hợp chặt chẽ với kiểm tra, kỷ luật. Như thế sẽ khắc phục tư tưởng bị động, trông chờ xem trên thế nào, và gắn thêm công cụ kỷ luật, chế tài để xử lý các việc sai phạm. Đấy chính là chú trọng “pháp trị” bên cạnh “đức trị”.
- Nhiều ý kiến đã chỉ rõ, đây là lần đầu tiên TƯ Đảng cụ thể hoá 27 biểu hiện của suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ. Nhiều năm công tác ở cơ quan đầu não của Đảng, ông nhận thức thế nào về tình hình suy thoái hiện nay?
- Trong 27 biểu hiện suy thoái, chỉ nhìn vào biểu hiện “nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, có thể thấy, hầu như Đảng viên nào cũng có. Chúng ta cứ nói là suy thoái diễn ra ở một bộ phận không nhỏ, nhưng sự diễn biến ấy đang trong chính mỗi chúng ta đây này.
Có hai việc trong TƯ vừa qua cũng cho thấy bóng dáng của biểu hiện ấy. Chuẩn bị nhân sự đứng đầu Ban Nội chính Trung ương, Tổng Bí thư thông báo sẽ gửi phiếu thăm dò cho phương án ông Nguyễn Bá Thanh. Kết quả thăm dò thể hiện sự thống nhất khá cao, gần 80% phiếu đồng ý. Nhưng hôm sau tiến hành bỏ phiếu thì kết quả… tụt luôn mấy chục phiếu. Biểu hiện đó là gì - là không trung thực, là nói một đằng làm một nẻo, là trong đầu nghĩ khác miệng nói khác!
Việc Bộ Chính trị đề nghị phê bình cả tập thể Bộ Chính trị mà Trung ương không đồng ý cũng tương tự như vậy. Vì TƯ như thế nên phía dưới cũng buông, tự phê và phê bình theo yêu cầu NQ04 khóa XI không thực chất nữa. Tôi nghĩ, nếu dịp đó mà Trung ương làm nghiêm túc thì việc kiểm điểm ở các cấp bên dưới sẽ giải quyết được nhiều vấn đề.
- Là thành viên tổ soạn thảo Đề án tăng cường chỉnh đốn Đảng lần này, làm việc, tiếp xúc với Tổng Bí thư và những người lãnh đạo cao nhất trong Đảng, ông được yêu cầu truyền tải tinh thần thế nào về công cuộc chỉnh đốn Đảng lần này?
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu nói ít làm nhiều, không “trống giong cờ mở”. Như vừa rồi, chỉ một văn bản của Văn phòng Trung ương thông báo ý kiến của Tổng Bí thư về một vụ việc cụ thể đã làm “rung chuyển” không khí chung. Giải pháp cũng đi ngay vào thực tế, như việc Trưởng ban Tổ chức TƯ Phạm Minh Chính thay mặt Ban Bí thư ra công văn nói rõ từ nay không sửa, đính chính tuổi với Đảng viên nữa. Một thao tác đó nhưng sẽ là “im đét”, chấm dứt tình trạng chạy tuổi trước mỗi dịp đại hội.
- Việc Tổng Bí thư lần đầu tiên có ý kiến chỉ đạo việc cụ thể có thể hiểu là nhất quán với tinh thần NQ04 vừa ban hành?
- Đúng thế. Tinh thần Đại hội XII là tập trung cho nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ráo riết hơn, quyết liệt hơn. Từ chỉ đạo của Tổng Bí thư, TƯ cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII bằng NQ04 lần này… Tất cả đều nằm trong mạch chuyển động ấy.
Tổng Bí thư đã nói rõ quyết tâm “làm đến nơi, đến chốn, không chịu sức ép của bất cứ cá nhân, tổ chức nào”. Người đứng đầu Đảng nêu thông điệp như vậy là rất đáng chú ý.
- Xin cảm ơn ông!
Nhân Gia (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn