Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói về "cái khó" trong việc xử lý kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng (ảnh: H.L)
Thưa ông, trong quyết định kỷ luật với nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng công bố hôm qua, Ban Bí thư TƯ Đảng đã giao phía Chính phủ, Quốc hội tiến hành việc kỷ luật về mặt hành chính với ông Hoàng đảm bảo tương ứng với hình thức kỷ luật bên Đảng. Việc này sẽ được Quốc hội tiến hành thế nào?
Tôi có thể nói đến giờ phút này Ban Bí thư giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu quy trình kỷ luật với ông Vũ Huy Hoàng. Đây là việc rất khó vì hiện ông Hoàng là Bộ trưởng Công thương của khoá trước, đã được Quốc hội khoá trước (khoá XIII) miễn nhiệm nên đến nay ông Hoàng không còn giữ chức vụ Bộ trưởng nữa.
Không còn chức vụ thì cần phải giao cho các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu quy định về mặt pháp luật thế nào, quy trình thế nào để xử lý kỷ luật. Việc này đang được giao cho những cơ quan giúp việc cho Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu về tính pháp lý để đảm bảo căn cứ khi trình ra Quốc hội xem xét. Việc xử lý một người không còn chức vụ Bộ trưởng nữa, Quốc hội đã miễn nhiệm rồi thì phải làm sao đảm bảo đúng pháp luật. Cần phải làm chặt chẽ vì kỷ luật nghiêm minh nhưng phải đúng pháp luật.
Một số cán bộ trong ngành tổ chức cho rằng, ai đã trình bổ nhiệm ông Hoàng thì người đó phải lên tiếng đề xuất việc xử lý kỷ luật và ai miễn nhiệm với ông này người đó phải thực hiện hình thức kỷ luật. Nhưng không chỉ ông Hoàng hiện không còn là Bộ trưởng mà ngay những người trình bổ nhiệm cũng không còn đảm nhiệm chức vụ trong bộ máy nữa?
Khi bổ nhiệm thì Chính phủ có tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn với người này, khi được phê chuẩn rồi chuyển sang Chủ tịch nước bổ nhiệm. Nếu bình thường người này đang đương chức thì không vấn đề gì, Chính phủ lại làm tờ trình gửi sang đề nghị xem xét kỷ luật thì Quốc hội tiến hành kỷ luật thôi. Nhưng giờ người này không còn chức vụ nữa, đã được miễn nhiệm khi kết thúc khoá công tác thì phải nghiên cứu tiếp xem làm thế nào cho đúng pháp luật.
Như ông nói, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội có vẻ đều đang lúng túng với yêu cầu “cách chức” một cán bộ đã không còn giữ chức vụ. Vướng như vậy thì liệu trong kỳ họp này việc kỷ luật có thể tiến hành được, thưa ông?
Vừa tối qua chúng tôi mới nhận được thông tin về quyết định của Ban Bí thư và chiều nay, văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư mới chuyển sang nên giờ chúng tôi đang nghiên cứu để giao cho các đơn vị chức năng xem xét, tham mưu. Việc nhanh hay chậm trong giải quyết việc này phải chờ vào kết quả nghiên cứu của các cơ quan tham mưu.
Nhiều cử tri cho rằng việc kỷ luật cách chức mà toàn những chức vụ người ta không còn nắm giữ nữa thì viêc kỷ luật không còn nhiều ý nghĩa và như thế thì người bị kỷ luật cũng vẫn sống ổn thoả, “hạ cánh an toàn”? Ý kiến của ông về việc này?
Tôi cho rằng vừa qua, UB Kiểm tra TƯ đã làm rất nghiêm túc và công khai trước công luận về những vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng. Tôi thấy dư luận nhân dân và cán bộ đều rất đồng tình. Còn vấn đề kỷ luật bên chính quyền thế nào nữa thì, như tôi nói, còn phải chờ các cơ quan nghiên cứu để làm cho đúng quy định pháp luật.
Còn nói về việc kỷ luật ngay cả khi một người đã nghỉ thì đây cũng là trường hợp đầu tiên, chưa có tiền lệ chúng ta phải “cách chức” với một người không còn chức vụ nữa nên việc xử lý đúng là rất khó. Nhưng dù sao việc đó cũng có tính chất răn đe để những người khác thấy rằng, dù anh đã nghỉ hưu đi nữa nhưng khi phát hiện sai phạm thì việc xử phải xử lý.
Ví dụ, với việc cách chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương giai đoạn 2011-2016 với ông Hoàng thì mai này hồ sơ về Đảng của ông này cũng sẽ không còn chức vụ đó trong giai đoạn đó nữa. Như vậy, dù anh nghỉ hưu, nhà nước vẫn kiểm soát chứ không thoát được đâu.
Quốc hội khoá XIII được cho là thực hiện việc giám sát rất sát sao với cán bộ được bầu, bổ nhiệm khi lần đầu tiên trong một khoá có tới hai lần Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh này. Trong cả hai lần lấy phiếu đó thì số phiếu tín nhiệm của nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đều không phải ở mức thấp, báo động. Qua việc này thì có thể thấy công tác giám sát và đánh giá cán bộ cấp cao của Quốc hội thế nào?
Trong quá trình làm đương nhiên có nhiều cơ quan cùng có trách nhiệm trong quá trình giám sát. Có thể Quốc hội chưa phát hiện được những sai phạm của cán bộ đó nhưng với tinh thần rất trách nhiệm thì các cơ quan nhà nước khi phát hiện sai phạm ở bất cứ vào thời điểm nào đều sẽ xử lý, bất luận người đó là ai. Trường hợp vi phạm không phát hiện được thì đành chịu nhưng khi phát hiện ra rồi thì nhất quyết xử lý nghiêm, không để khoảng trống nào, không loại trừ bất cứ ai.
Vừa rồi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống tham nhũng mà đứng đầu là Tổng Bí thư đã làm rất quyết liệt, làm rõ được nhiều vụ việc nghiêm trọng mà tưởng chừng mọi việc đã qua rồi, cử tri cũng nghĩ là đã “chìm xuồng” rồi. Điều đó chứng tỏ việc kỷ luật được thực hiện rất nghiêm túc và khi đã làm là phải xử lý cho thấu tình đạt lý, để người có khuyết điểm, vi phạm bị xử lý cũng phải tâm phục khẩu phục và cử tri cũng đồng tình.
Xin cảm ơn ông!
P.Thảo (ghi)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn