Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 với chủ đề “Hợp tác vì An ninh và Phát triển khu vực” diễn ra tại Hà Nội sáng 6/11, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định, hội thảo là cơ hội để các luật gia trong nước và quốc tế, bất kể màu da, dân tộc có được cơ hội gặp gỡ, trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn và trí tuệ để cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là bảo vệ hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông.
Theo ông Quyền, trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông thời gian gần đây, vai trò và tiếng nói của các luật gia càng quan trọng trong việc củng cố, duy trì tính tôn nghiêm của môi trường luật pháp quốc tế.
“Tôi cho rằng những nỗ lực của Ban tổ chức Hội thảo Biển Đông trong suốt 10 năm qua đã được đền đáp. Thông qua Hội thảo Biển Đông, cộng đồng luật gia Việt Nam đã đóng góp tiếng nói trong nhiều vấn đề, nhiều khía cạnh của vấn đề Biển Đông, không ngừng mở rộng mạng lưới, kết nối trong nước và quốc tế”- ông Quyền nói.
Ông Quyền nhận định, hội thảo đang ngày càng lớn mạnh về số lượng và sự đa dạng của các diễn giả và thính giả tham gia. Năm nay, hội thảo thu hút được trên 50 diễn giả đến từ hơn 20 quốc gia, hơn 30 cơ quan đại diện ngoại giao tại Hà Nội đã cử người tham dự cùng hơn 250 các vị đại biểu là quan chức, nhà nghiên cứu, doanh nhân và những người có quan tâm chung đến vấn đề Biển Đông.
“Tôi hy vọng rằng, trên cơ sở thành công 10 năm qua, xê-ri Hội thảo Biển Đông sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả trong nước và quốc tế, mạng lưới các luật gia và học giả quốc tế sẽ ngày càng mở rộng và lớn mạnh, đóng góp thiết thực hơn nữa cho việc củng cố trật tự thượng tôn pháp luật và luật pháp quốc tế”- Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá, trong 10 năm qua, tình hình Biển Đông tiếp tục có những diễn biến phức tạp theo nhiều chiều hướng khác nhau. Trước tình hình mới có cả những yếu tố tích cực và tiêu cực, những học giả có thể làm gì và đổi mới ra sao để đóng góp tốt hơn cho việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn thách thức từ góc độ các chuyên gia?
Ông Tùng hi vọng hội thảo lần này sẽ đóng vai trò cầu nối tốt hơn nữa giữa các kênh chính thức, kênh bán chính thức nhằm tìm ra các biện pháp có tính sáng tạo nhằm thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung tin tưởng rằng, hợp tác và thúc đẩy hợp tác trên Biển Đông không chỉ là lợi ích và trách nhiệm của các quốc gia trong khu vực mà còn là lợi ích và trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế.
Vì thế, ông Trung kỳ vọng, hội thảo lần này sẽ góp phần làm sáng tỏ các vấn đề như làm thế nào để bảo đảm tính hiệu quả của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 nói riêng và thượng tôn pháp luật nói chung; làm sao để các cơ chế đa phương tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc bàn bạc, tìm kiếm giải pháp thúc đẩy hợp tác trong khu vực và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề trong khu vực.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn