Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Chính trị đã giao Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan chủ trì xây dựng quy định vị trí việc làm để trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ quản lý. Hiện Ban Tổ chức Trung ương đang hướng dẫn xây dựng đề án việc làm với các cơ quan khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Bộ Nội vụ thì được phân công thực hiện việc hướng dẫn cho các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước. Các bộ, ngành thì sẽ tiến hành xây dựng đề án vị trí việc làm và thang bảng lương, cơ cấu từng vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị mình.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp vị trí việc làm, thang bảng lương, vị trí lãnh đạo của các cơ quan, bộ ngành để chuẩn bị thực hiện chế độ tiền lương mới áp dụng từ 2021.
Theo đó, chỉ có 4 nhóm đối tượng được chia để xếp lương, thay vì rất nhiều nhóm, rất nhiều loại thang bảng lương phức tạp đang sử dụng hiện nay. Cụ thể, 4 nhóm đối tượng đó là: nhóm cán bộ lãnh đạo quản lý, nhóm cán bộ chuyên môn nghiệp vụ, nhóm thanh tra, kiểm toán và nhóm phục vụ.
Về vấn đề thi tuyển, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ công chức, Bộ trưởng Tân xác nhận, có sự phiền hà lớn về việc văn bằng chứng chỉ. Bộ trưởng thanh minh, do quy định áp dụng từ năm 1993 đến nay, hơn 20 năm rồi, phải sửa.
“Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này vì một quyết định để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết với Quốc hội, sau khi Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay đến nội dung này. Chúng tôi sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào. Còn vấn đề kiểm soát trình độ ngoại ngữ, tin học thì thi trên máy luôn, không cần yêu cầu bằng cấp, chứng nhận” – Bộ trưởng Tân nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đặt câu hỏi, có hay không tình trạng dĩ hòa vi quý khi đánh giá cán bộ, công chức?
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đặt vấn đề, tình trạng cán bộ, công chức tham nhũng vặt gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra nhiều nơi, chậm được khắc phục, gây bức xúc trong cử tri và xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là do chế tài xử lý quy định trong Luật Cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, chưa mạnh tay xử lý các sai phạm. Đại biểu muốn biết, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất gì mạnh tay hơn mới hơn để khắc phục các tình trạng nói trên?
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) đặt vấn đề, cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng nghịch lý là chất lượng dịch vụ công như giáo dục, y tế chỉ cải thiện khi số nhân sự trên đầu người học, người bệnh tăng lên. Giải pháp nào khắc phục mâu thuẫn này?
Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, y tế là vấn đề phức tạp. Thực tế ngành giáo dục, y tế hiện nay đều đang than không đủ giáo viên đứng lớp, không đủ nhân viên y tế phục vụ việc khám chữa bệnh.
Bộ trưởng thông tin, tổng biên chế sự nghiệp cả nước hiện nay là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1,5 triệu người, chiếm tỷ lệ rất lớn. Tính chung, biên chế cho giáo viên và nhân viên y tế chiếm tới khoảng 80% trên tổng số biên chế sự nghiệp. Theo thống kê, ban đầu đã xác định 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu. Ngành y tế cũng thiếu khoảng hơn 12.000 người. Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục để xác minh cụ thể từng địa phương, từ đó có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế, đảm bảo đúng chủ trương, có người học là phải có giáo viên, có người bệnh là phải có người chăm sóc.
Vấn đề cần tháo gỡ, theo Bộ trưởng Nội vụ, định mức biên chế của ngành giáo dục và y tế đã xây dựng, áp dụng từ năm 2007, đến nay, sau 12 năm đã quá lạc hậu. Vậy nên 2 ngành này cần tiến hành xây dựng định mức, xác định cho rõ lại, tiến tới xây dựng lộ trình tự chủ và xã hội hoá trong các lĩnh vực để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Ngành Nội vụ chỉ đặt vấn đề giảm số người hưởng lương từ ngân sách chứ không giảm nhân lực làm việc trong các đơn vị sự nghiệp. Thực tế, vừa qua các cơ quan Trung ương đã giảm được số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước khoảng 11,86%, vượt mục tiêu giảm 10% đề ra. Nhưng các địa phương, các đơn vị sự nghiệp thì việc tinh giản biên chế mới đạt 4,26%.
Mở đầu phần trả lời chất vấn của mình, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân khái quát, xây dựng bộ máy nhà nước, bộ máy công chức viên chức là vấn đề được cả hệ thống chính trị đặt ra từ lâu. Việc sắp xếp dẫn tới việc một số bộ ngành, địa phương bộ máy giảm rất nhiều. Bước đầu đã giảm được 4 Tổng cục, 11 Vụ. Cao Bằng giảm được 38 xã thuộc 8 huyện. Thanh Hoá giảm 76 xã, Hoà Bình giảm 59 xã, Phú Thọ giảm 52 xã… Kết quả tinh giản với bộ máy cơ quan hành chính nhà nước được xem là khả quan.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, sau 2 năm triển khai thực hiện mới đạt được kết quả bước đầu, chưa đạt được các mục tiêu nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề ra, với nhiều lý do khác nhau.
Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) khái quát, tình trạng nhập vào rồi lại tách ra không hiếm ở Việt Nam. Việc sáp nhập 3 văn phòng có ý kiến cho là không phù hợp, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan. Quan điểm của Bộ trưởng về việc này?
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề cập tình trạng di dân không có kế hoạch và dịch chuyển lao động gây khó khăn lớn cho ngành giáo dục. Việc sửa định mức biên chế với ngành này cũng rất chậm, bị động?
Đại biểu Châu Quỳnh Giao đặt câu hỏi, tinh giản biên chế, làm sao để không loại bỏ nhầm người giỏi, người tài, giữ lại người kém?
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ trả lời chất vấn với nhóm vấn đề đầu tiên là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; việc sắp xếp cán bộ, công chức sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Bộ trưởng cho biết, căn cứ kết luận số 34 năm 2018 của Bộ Chính trị, các địa phương đã thực hiện thí điểm hợp nhất các cơ quan chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ liên thông, ở cấp tỉnh là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính; Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng.
Hướng thí điểm thứ hai là hợp nhất cơ quan chuyên môn với ban Đảng, đang thực hiện tại 1 địa phương, giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy với Sở Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy với Thanh tra tỉnh.
Việc hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thì đã thí điểm mở rộng tới 11 địa phương.
Tuy vậy, Bộ trưởng Nội vụ nhận định, kết quả thực hiện các việc này vẫn chậm, chưa hiệu quả.
Vấn đề biên chế công chức, theo báo cáo của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, tính đến 30/9/2019, cả nước có gần 254.000 biên chế, tính cả số dự phòng năm 2020, giảm được 8,7% so với số biên chế được giao năm 2015.
Vấn đề nan giải trong tinh giản biên chế vẫn nằm ở khối các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là biên chế ngành giáo dục, y tế vì thực tế, biên chế viên chức các ngành này chưa đáp ứng được yêu cầu công tác, nhưng ký hợp đồng tuyển thêm thì lại trái với quy định pháp luật.
Con số chính thức, từ năm 2015 đến nay, khu vực này mới tinh giản được 40.500 người.
Nhóm vấn đề thứ hai đặt ra với Bộ trưởng Nội vụ là công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo, thi nâng ngạch; chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ trưởng Nội vụ trình bày chi tiết về quá trình xây dựng nghị định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động và luân chuyển đối với công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý đã được Chính phủ, Thủ tướng giao từ năm 2017 tới nay. Tuy nhiên, sau khi dự thảo nghị định hoàn thành, gửi sang Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến (cuối năm 2018) thì đầu tháng 10 năm nay, Thủ tướng có văn bản đồng ý đưa ra khỏi chương trình công tác nghị định này.
Thay vào đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ động, khẩn trương xây dựng dự thảo các nghị định quy định chi tiết luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, bao gồm các nội dung về công tác cán bộ đã được giao, bảo đảm ban hành có hiệu lực cùng với luật. (Hiện dự thảo luật này đang trình Quốc hội, chờ thông qua – PV)
Trong nhóm vấn đề này, việc cải cách tiền lương được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề cập. Theo báo cáo, hiện Bộ Nội vụ đang cùng các cơ quan tổng hợp, đánh giá thực trạng chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp của cán bộ, công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý qua các giai đoạn, rà soát văn bản quy định về chính sách tiền lương, trên cơ sở đó, đề xuất thiết kế bảng lương và chế độ phụ cấp theo nội dung cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27 của Trung ương.
Kế hoạch, sau khi tổng hợp, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Bộ Chính trị quy định cụ thể chế độ tiền lương mới để làm căn cứ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện từ năm 2021.
Với nhóm vấn đề thứ ba, công tác đánh giá, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tư lệnh ngành Nội vụ cho biết, việc đánh giá tại 32 Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương cho thấy những con số thống nhất, ổn định.
Cụ thể, số công chức, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm tỷ lệ khoảng 28%, hoàn thành tốt nhiệm vụ chiếm tỷ lệ 65-68%, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực chiếm khoảng 3-6%. Số công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ khoảng 0,4-0,6%.
Bộ trưởng Nội vụ khẳng định đã tập trung cho hoạt động thanh tra công vụ. Trong gần 3 năm qua (từ đầu 2017 tới hết tháng 9/2019), Thanh tra Bộ đã thực hiện 41 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất. Qua thanh tra đã phát hiện những thiếu sót, sai phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tổ chức cán bộ của các Bộ, ngành, địa phương. Kết quả, Thanh tra Bộ đã kiến nghị thu hồi 21 trường hợp bổ nhiệm, 233 trường hợp tuyển dụng không đúng quy định.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn