Sáng ngày 27/6, phát biểu tại Hội nghị Hà Nội 2020 hợp tác đầu tư và phát triển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cáo sự thành công của TP Hà Nội trong việc trao giấy chứng nhận đầu tư cho 229 dự án với tổng số vốn đầu tư 17,6 tỷ đô la. “Nếu như rơi rớt mà còn khoảng 60% số dự án đi vào hoạt động, sản xuất, kinh doanh thì đã là thành công trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hội nghị lần này của TP Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra trên thế giới, làm đứt gãy nền kinh tế toàn cầu. Cụ thể, Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá nền kinh tế thế giới trong năm sẽ âm 4,9%, các nước trong khối ASEAN âm 2%. Còn nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo dự báo từ 6,8% năm nay sẽ xuống còn 2,7%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua của Việt Nam nhưng là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong thời điểm khó khăn nhất của đại dịch Covid-19, tôi như thấy lại một tinh thần Hà Nội của những năm tổng khởi nghĩa, của những ngày toàn quốc kháng chiến với niềm tin vào sức mạnh đoàn kết cộng đồng, cũng như niềm tin vào Đảng, vào Chính phủ trong mọi khó khăn thử thách”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Hà Nội một trong số không nhiều thủ đô đã làm tốt nhất công tác phòng chống dịch Covid-19. Điều này đã góp phần vào uy tín, sức mạnh mềm của chúng ta trong khu vực và thế giới. Chính làm tốt công tác phòng chống Covid-19 ở khu vực thủ đô 10 triệu dân đã làm giảm lây nhiễm ở các địa phương.
Tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng trợ giúp người nghèo, người thất nghiệp, người mất việc và các gia đình chính sách… Trong đó TP Hà Nội đã giải quyết kịp thời, với sự giám sát của HĐND, của nhân dân và của MTTQ các cấp để đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để ai ở lại phía sau.
Với vị thế của Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, TP giờ đây không chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam nữa, mà trong thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần phải định nghĩa bằng một tầm nhìn xứng đáng hơn, đó phải là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.
Vì vậy, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hà Nội không còn đặt mục tiêu ganh đua với các địa phương trong nước, mà phải đặt cạnh tranh với các TP trong khu vực như Bangkok, Manila, Jakarta, Thượng Hải… Để làm được điều này, Hà Nội phải có thể chế tốt, tậm dụng cơ hội trong xu hướng chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu. Thủ tướng cũng đề nghị chính quyền Hà Nội cũng như cộng đồng doanh nghiệp, mọi thành phần kinh tế nắm bắt, tận dụng triệt để các cơ hội, cơ chế, chính sách hiện nay.
Thông qua hội nghị lần này, Thủ tướng mong muốn Hà Nội thực hiện một cách nhất quán phương châm “hợp tác và đầu tư phát triển”, để đây không là khẩu hiệu suông. Và việc hợp tác ở đây không chỉ là trong cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn hợp tác với các địa phương trong vùng Thủ đô, với cả nước và quốc tế. Và Hà Nội không chỉ thu hút đầu tư cho riêng mình mà để tạo sự lan tỏa cho cả vùng Thủ đô và cả nước.
Theo Thủ tướng, một mặt chúng ta yêu cầu Hà Nội tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, công khai, thuận lợi, thì mặt khác các bộ ngành cũng phải tạo điều kiện cho Hà Nội. Chính phủ cũng luôn bên cạnh Hà Nội, cùng Hà Nội tháo gỡ khó khăn nhanh hơn, thuận lợi hơn.
“Một vấn đề lớn đặt ra cho Hà Nội, như một vị đại biểu Quốc hội đã nói, tôi nói lại ý này: Chúng ta đang làm tổ cho đại bàng đẻ, cũng phải rải thóc gạo cho chào mào, chim sẻ ăn no và phát triển tốt ở Thủ đô của chúng ta. Ý nói hộ cá thể, hợp tác xã, làng nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng phải phát triển tốt ở Thủ đô”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thu nhập bình quân đầu người Hà Nội hiện nay gần 5.500 đô la, nếu duy trì tăng trưởng bình quân 9%/năm, thì trong vòng 10 năm tới (đến 2030), Hà Nội sẽ chạm ngưỡng nền kinh tế có thu nhập cao. Theo Thủ tướng, mục tiêu tối thiểu Hà Nội cần đặt ra phải cán đích nền kinh tế có thu nhập cao trước mục tiêu vào năm 2045 của cả nước trước 10 năm, thậm chí là 15 năm.
“Tức là chúng ta đang phấn đấu đến năm 2045, Việt Nam là nước hùng cường có mức thu nhập cao, yêu cầu của Hà Nội với mức tăng trưởng 9 %/năm thì chúng ta phải cán đích trước 10 hoặc 15 năm. Đây là đầu bài mà Thủ tướng đề nghị với Hà Nội”, Thủ tướng nói và tin tưởng trong một tương lai không xa, Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học của vùng Thủ đô hay của Việt Nam, mà tự tin định vị là một trong những trung tâm của khu vực Đông Nam Á.
Quang Phong
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn