Phiên họp toàn thể với chủ đề “Phương hướng đối ngoại: Đẩy mạnh Ngoại giao phục vụ Phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.” Đây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá kết quả triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển từ Hội nghị Ngoại giao 29 (2016) tới nay và xác định các nhiệm vụ của ngành ngoại giao nhằm hỗ trợ các yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn từ nay đến 2020.
“Dĩ bất biến ứng vạn biến”
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc triển khai “ngoại giao kiến tạo” đạt nhiều kết quả tích cực. Thủ tướng ghi nhận đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao trong việc giữ gìn và củng cố môi trường hoà bình, ổn định và thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước đạt nhiều thành tựu hai năm qua.
Theo Thủ tướng, ngoại giao đã mở rộng về lượng, gia tăng về chất các khuôn khổ đối tác chiến lược và toàn diện, đưa quan hệ đi vào chiều sâu, mở ra cục diện đối ngoại mới cho đất nước, củng cố và mở rộng không gian chính trị và môi trường kinh tế thuận lợi phục vụ phát triển.
Đối ngoại đa phương đã nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, trên các diễn đàn đa phương; thể hiện tinh thần đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Công tác ngoại giao kinh tế phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế được thúc đẩy mạnh mẽ, thật sự có bước chuyển quyết liệt góp phần tìm kiếm, mở rộng thị trường và tranh thủ mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu phát triển đất nước.
Đánh giá về những thách thức đối với công tác đối ngoại thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ cho biết trước mắt là giai đoạn kinh tế thế giới chuyển động nhanh với nhiều cơ hội mới, nhưng cũng nhiều bất ổn khó lường; cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động sâu rộng và toàn diện đến mọi nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Do đó Việt Nam cần phải “nhập cuộc”, nếu không sẽ bị tụt hậu và đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng của ngành ngoại giao.
Thủ tướng lưu ý chỉ còn 2 năm nữa để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020, và ngoại giao trên tinh thần “kiến tạo phát triển” cần phải chủ động, sáng tạo và hiệu quả nhằm tranh thủ tối đa thời cơ kinh tế thế giới được dự báo còn tương đối thuận lợi để hoàn thành các mục tiêu, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững giai đoạn sau 2020, hướng tới mục tiêu công nghiệp hoá đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, công tác đối ngoại phải góp phần gìn giữ được môi trường hòa bình ổn định cho phát triển, bám sát lời dạy của Bác Hồ là “dĩ bất biến ứng vạn biến” giữ vững lập trường, nguyên tắc, còn linh hoạt, sáng tạo trong thực tiễn. Công tác đối ngoại phải cùng quốc phòng, an ninh bảo vệ hòa bình, ổn định, giữ vững chủ quyền đất nước “từ xa”, “từ sớm”.
Lấy tạo lập và củng cố vị thế chiến lược làm ưu tiên
Ngoại giao cần phát huy vị thế địa chiến lược của Việt Nam, lấy tạo lập và củng cố vị thế này là ưu tiên của công tác đối ngoại, tạo tiền đề và nền tảng cho phát triển. Công tác đối ngoại phải đóng góp tích cực cho phát huy tốt nội lực; nội lực mạnh mẽ sẽ tạo ra sinh lực cho hoạt động đối ngoại, tranh thủ cơ hội thuận lợi của môi trường quốc tế, nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Phát huy nội lực là công việc của cả nước, Bộ Ngoại giao không thể đứng ngoài cuộc, mà phải đi trước, kịp thời phát hiện vấn đề và kiến nghị giải pháp cho đất nước.
Cần đặc biệt chủ động, sáng tạo, hiệu quả khi triển khai công tác đối ngoại, đúng như chủ đề của Hội nghị. Ngành ngoại giao phải thích ứng với tình hình mới, sẵn sàng đổi mới tư duy để cung cấp những quan điểm, những cách tiếp cận, những giải pháp mới, không sa vào lối mòn.
Đối ngoại cần phát huy tinh thần “hành động, phục vụ” vì mục tiêu phát triển. Phải chuyển hoá mạnh mẽ lợi thế quan hệ chính trị - đối ngoại tốt đẹp với các đối tác chiến lược và toàn diện thành các cơ hội hợp tác, lợi ích kinh tế, phục vụ cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thủ tướng đề nghị ngành ngoại giao cần tập trung nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai ngoại giao đa phương với tâm thế tự tin, đàng hoàng hơn, chủ động đóng góp, tích cực tham gia xây dựng, định hình các thể chế đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, thúc đẩy đồng bộ trên mọi lĩnh vực, với hợp tác về kinh tế là trọng tâm. Trước mắt cần phải tập trung tổ chức thành công Hội nghị WEF-ASEAN ngay trong tháng 9 năm 2018 và xa hơn nữa là ứng cử làm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Để triển khai hiệu quả Ngoại giao kiến tạo phát triển một cách chủ động, sáng tạo, Thủ tướng kết luận, ngành ngoại giao cần chú trọng đến 3 nhân tố lớn.
Thứ nhất là vai trò của con người. Ngành ngoại giao cần một đội ngũ cán bộ trẻ trung, nhiệt huyết, nắm vững đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, am hiểu công nghệ và nắm vững các kỹ năng đối ngoại thời đại 4.0, để nâng cao hiệu quả hoạt động trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực.
Thứ hai là cần phải có cách làm tốt. Bộ Ngoại giao cần ưu tiên hàng đầu là chuẩn hóa quy trình công tác, tiếp thu và áp dụng công nghệ, kỹ năng hiện đại như chính phủ điện tử, ngoại giao số, ngoại giao công chúng, nâng cao hiệu quả công tác, phục vụ tốt hơn doanh nghiệp và người dân.
Thứ ba, là thông tin, tham mưu, dự báo; công tác cần được triển khai tốt từ khâu thu thập thông tin, xử lý thông tin đến lưu giữ, phân tích và chia sẻ thông tin kịp thời. Công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo phải thực sự trở thành thế mạnh của đối ngoại.
Kết thúc Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, ngành ngoại giao sẽ quán triệt đầy đủ và triển khai đồng bộ chỉ đạo của Thủ tướng. "Ngoại giao kiến tạo" phát triển sẽ được triển khai trên nhiều tầng nấc, quy mô và đa chiều, có sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành và lĩnh vực, nhằm ứng phó hiệu quả với thách thức, duy trì và kiến tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn