3 năm giảm 107 đầu mối cơ quan
Trước khi Nghị quyết 18 về việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết 19 về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập được Ban chấp hành Trung ương Đảng ban hành (tháng 10/2017), tỉnh uỷ Quảng Ninh đã chủ động rà soát về tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tại địa phương. Phát hiện thấy nhiều yếu kém, bất cập, lãnh đạo tỉnh mạnh dạn đổi mới và quyết tâm xây dựng đề án đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế (Đề án 25).
Theo đánh giá tổng kết, sau gần 3 năm triển khai đề án, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Bộ máy giảm được 4 đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, 107 phòng, đơn vị, đầu mối trực thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể…
Mô hình đổi mới Quảng Ninh đã mạnh dạn áp dụng là thực hiện mô hình bộ phận tài vụ phục vụ dùng chung với các ban đảng, Văn phòng Tỉnh uỷ, Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh. Sáp nhập phòng Dân tộc vào Văn phòng HĐND-UBND ở 4 huyện, thị. Tại 12 huyện, tỉnh sáp nhập đài phát thanh, truyền hình vào Trung tâm Văn hoá,Thông tin & Truyền thông.
Ngành giáo dục cũng giảm được 9 trường, 122 điểm trường với 463 lớp học. Ngành y tế cũng gọn nhẹ hơn nhiều với 7/14 Trung tâm y tế được sáp nhập vào bệnh viện đa khoa huyện, nhiều trạm y tế chỉ còn giữ chức năng phòng dịch…
Về việc nhất thế hoá các chức danh, Quảng Ninh đã thực hiện mô hình Bí thư Huyện uỷ đồng thời là Chủ tịch HĐND tại 7/14 huyện, thị (bằng 50% số đơn vị cấp huyện), 76/186 xã (tương đương 40,3%). Thực hiện phương án nhất thể người đứng đầu cơ quan tham mưu giúp việc của cấp uỷ (các ban đảng – PV) với cơ quan chuyên môn (các phòng thuộc UBND) ở cấp huyện.
Việc hợp nhất cơ quan UB Kiểm tra – Thanh tra đã thực hiện tại 11/14 huyện (tương đương 78,6%); Ban Tổ chức – Phòng Nội vụ tại 100% số huyện, thị.
Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh đã tổ chức mô hình Chánh văn phòng 3 bên: Văn phòng cấp uỷ - HĐND – UBND ở 2/14 huyện.
Số Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu dân phố hiện cũng chiếm tỷ lệ gần như tuyệt đối (98,15%). Tỉnh cũng thí điểm thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể cính trị - xã hội tại 12/14 đơn vị cấp huyện.
Giải quyết hết số cấp phó “dôi dư”
Sau khi có Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, địa phương đã xây dựng chương trình hành động cụ thể để tiếp tục triển khai các nội dung.
Về sắp xếp tổ chức bộ máy, Quảng Ninh đã xây dựng phương án cụ thể bộ máy huyện Vân Đồn để phù hợp với mô hình đặc khu kinh tế.
Tỉnh này cũng phê duyệt đề án hợp nhất một số cơ quan và tổ chức mô hình và quyết định thành lập cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh, nhất thể hóa chức danh Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch MTTQ tại 13/14 huyện.
Mô hình này giúp Quảng Ninh giảm được 27 đầu mối, 69 vị trí trưởng, phó phòng và tương đương. Đến nay, mô hình này đã thực hiện liên thông ở 3 cấp.
Ông Cao Tường Huy - Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ giới thiệu kết quả chuyển chức năng bồi dưỡng, chính trị của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện về Ban Tuyên giáo và chuyển chức năng tài vụ về Văn phòng cấp uỷ ở 8/14 địa phương.
Quảng Ninh cũng khá thành công với dự án mô hình thành phố thông minh tại Hạ Long, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý, điều phối vận tải hành khách du lịch thông minh bằng tàu tuyền trên Vịnh Hạ Long, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động ngành du lịch của tỉnh…
Những biện pháp đổi mới áp dụng mang lại kết quả tích cực về tinh giản biên chế. Năm 2018 dù mới qua một nửa chặng đường, Quảng Ninh đã giảm được 519 biên chế công chức (30 công chức khối đảng, đoàn thể, 489 công chức khối chính quyền) và 1.314 biên chế viên chức. Con số này đảm bảo lộ trình, tỷ lệ (giảm 10%) so với số Trung ương giao cho tỉnh năm 2015, đạt mục tiêu đề ra theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.
Số viên chức hưởng lương từ ngân sách trong các đơn vị sự nghiệp tự chủ kinh phí chi thường xuyên cũng tiếp tục giảm. Thực tế, năm 2018, Quảng Ninh có trên 1000 viên chức không hưởng lương từ ngân sách.
Từ thực tế đã áp dụng, ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ, cùng với việc sắp xếp, thay đổi về bộ máy cũng cần thì điểm áp dụng chính sách tiền lương thoả đáng với người làm việc. Theo đó, tỉnh đã từng bước thay đổi phương thức cấp phát, phân bổ ngân sách nhà nước theo biên chế “đầu vào” trước đây sang cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ theo sản phẩm “đầu ra”.
Cũng theo ông Thành, vấn đề phát sinh do việc nhất thể hoá, hợp nhất các cơ quan là “lạm phát” cấp phó ở các đơn vị mới, trong 6 tháng đầu năm 2018 đã giảm được 7 cấp phó của các sở, ngành, UBND huyện. Đồng thời, để đảm bảo số lượng cấp phó các sở, ngành theo đúng quy định, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã tổ chức bố trí, sắp xếp để đảm bảo đến ngày 30/6/2018 không còn cơ quan, đơn vị vượt cấp phó theo quy định của Trung ương và hết năm 2019 không có cơ quan, đơn vị, địa phương vượt cấp phó theo quy định của tỉnh.
Phó Bí thư thường trực tỉnh uỷ Đỗ Thị Hoàng phân tích thêm, với việc Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận thí điểm 6 mô hình đổi mới, tinh gọn bộ máy thì vấn đề này sẽ được giải quyết. Cụ thể, Bộ Chính trị chỉ đạo, khi hợp nhất, số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất không vượt quá tổng số lãnh đạo cấp phó hiện có của các cơ quan thành viên, đồng thời, xây dựng lộ trình cơ cấu lại để đến hết năm 2020, có số lượng lãnh đạo cấp phó của cơ quan hợp nhất theo quy định.
Tác giả: P.Thảo – H.Sâm
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn