Xây dựng cao ốc gây áp lực lên hạ tầng đô thị
Thủ tướng trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh.
Báo cáo các kết quả đạt được của năm 2017, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, ngành đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu phát triển chủ yếu.
Hoạt động xây dựng duy trì tăng trưởng khá cao với tốc độ 8,7% so với năm 2016, đóng góp 0,54 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đứng thứ ba trong số các ngành.
Tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 37,5% (tăng 0,9% so với năm 2016); đạt xấp xỉ cận dưới của các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XII (38-40%). Hiện cả nước có 813 đô thị (tăng 11 đô thị so với năm 2016). Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%, quy hoạch phân khu đạt khoảng 77% (tăng 2% so với năm 2016), quy hoạch chi tiết đạt khoảng 38% (tăng 3% so với năm 2016).
Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 23,4 m2 sàn/người, tăng 0,6 m2 sàn/người so với 2016…
Trong năm, 2 nhiệm vụ lớn liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, công cụ quản lý mà Bộ Xây dựng thực hiện là làm 2 dự án luật (Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc), sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2018, 2019. Bộ cũng hoàn thành 4 nghị định, 3 quyết định, 2 chỉ thị, 13 thông tư, hoàn thành đề án xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng, đề án đổi mới hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, thực hiện tốt 2 đề án quan trọng này sẽ tạo sự đột phá trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực xây dựng.
Về công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, ông Hùng nêu con số, chỉ số về quy trình, thủ tục, thời gian cấp phép xây dựng tăng 4 bậc trong báo cáo về môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới (xếp hạng 20/190 quốc gia), là chỉ số có thứ hạng cao nhất trong 10 chỉ số được đưa ra đánh giá của Việt Nam.
Chất lượng công tác thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng được nâng cao, góp phần chống thất thoát, lãng phí với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, kịp thời ngăn ngừa các rủi ro về chất lượng đảm bảo an toàn công trình. Chất lượng các công trình xây dựng về cơ bản cũng đảm bảo, chất lượng các công trình trọng điểm, quy mô lớn được kiểm soát chặt chẽ, số lượng sự cố giảm so với cùng kỳ và không xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng nhấn mạnh việc siết chặt quản lý, công trình chưa có chứng nhận phòng cháy chữa cháy sẽ kiên quyết không nghiệm thu, đưa vào hoạt động. Việc này sẽ ngăn chặn được những sai phạm như đã bộc lộ thời gian vừa qua.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng thẳng thắn đề cập những hạn chế, tồn tại của ngành. Trước hết, chất lượng hoạt động quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được nhận định là còn thấp. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không đúng quy trình, thủ tục, thường có xu hướng tăng tầng cao, mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, giảm diện tích công cộng, hạ tầng cây xanh.
“Tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các cao ốc tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị. Phát triển đô thị không đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội” – Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.
Chất lượng một số công trình xây dựng cũng còn thấp, nhất là các công trình quy mô nhỏ, công trình có vốn ngoài ngân sách, do tư nhân quản lý.
Dũng cảm cắt bỏ chính lợi ích của ngành
Đánh giá ngành Xây dựng đã đóng góp tích cực vào các thành tựu của đất nước thời gian qua, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về một Bộ đoàn kết, thống nhất, dân chủ, có nhiều chủ trương, biện pháp mới, nhiều tư tưởng đổi mới.
“Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan đi đầu trong rà soát, cắt giảm ngành nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính và sẽ chỉ còn giữ lại 15% số thủ tục hiện hành. Đó chính là sự dũng cảm cắt bỏ lợi ích của ngành mình” - Thủ tướng nêu rõ.
Công tác thanh tra xây dựng được tăng cường; đã hoàn thành bán cổ phần lần đầu 2 Tổng công ty lớn; tư vấn quy hoạch, tư vấn giám sát, thiết kế có nhiều tiến bộ, có nhiều công trình đẹp xuất hiện ở Việt Nam.
Năm 2018 và những năm tới phải tạo chuyển biến thực chất hơn nữa, rõ nét hơn nữa trong cơ cấu lại ngành Xây dựng, Thủ tướng nói và yêu cầu ngành phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khu vực xây dựng năm 2018 là 9,2%.
Đến năm 2020, xây dựng được hầu hết các công trình xây dựng thiết yếu, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, có giá thành cạnh tranh; khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn nhà nước; hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, tiến độ xây dựng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, tiến độ xây dựng; không để sản xuất vật liệu xây dựng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Để thực hiện các nhiệm vụ, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng theo hướng tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, nhất là các đô thị lớn, đô thị ven biển, Thủ tướng nêu rõ.
Bộ cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại thủ đô Hà Nội đến năm 2030 để làm cơ sở việc di dời, xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan Trung ương.
Tiếp tục đổi mới, chấn chỉnh các hoạt động xây dựng, bảo đảm nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Quan tâm kiểm soát thị trường bất động sản, không để xảy ra biến động bất thường, bong bóng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng cho thấy, tốc độ tăng trưởng về sản xuất kinh doanh bình quân đạt 16,6% so với năm 2016.
Tổng giá trị sản xuất kinh doanh của 15 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng ước đạt trên 130.000 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch năm. Tổng giá trị đầu tư ước đạt 11.000 tỷ đồng, bằng 65,78% kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt xấp xỉ 120.000 tỷ đồng, bằng 108,4% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt gần 6.000 tỷ đồng, bằng 102,7% kế hoạch năm, nộp ngân sách ước đạt 7.000 tỷ đồng, bằng 128,2% kế hoạch năm. Tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt trung bình 4,97%.
Năm 2017, ngành xây dựng triển khai cổ phần hoá 4 TCTy, gồm: Sông Đà, HUD, IDICO, VICEM. 2 TCTy đã hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu (IPO) là Sông Đà, IDICO giúp thu về ngân sách hơn 3.700 tỷ đồng. Việc xác định giá trị của VICEM cũng đang được thực hiện để sớm tiến hành cổ phần hoá trong thời gian sớm nhất.
Việc thoái vốn tại các doanh nghiệp cũng thu được kết quả với điểm nhấn ở TCTy DIC, thu về ngân sách gần 2.300 tỷ đồng. Các TCTy khác cũng thoái vốn thành công tại 10 đơn vị (như Cty cổ phần đầy tư xây dựng LiLAMA, Xi măng Tây Ninh, Cty CP cơ khí và xây dựng Viglacera…) với giá trị gốc gần 660 tỷ đồng, thu về gần 880 tỷ đồng (cao hơn giá gốc hơn 200 tỷ đồng).
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn