Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Qúy đã có cuộc trao đổi về những thắng lợi trên mặt trận ngoại giao của Việt Nam tại Hội nghị Paris và Hiệp định Paris 1973.
- Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những nhân tố quyết định chiến thắng của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris về Việt Nam năm 1973?
- Thứ trưởng Đặng Đình Qúy: Hội nghị Paris về Việt Nam là Hội nghị ngoại giao dài nhất trong lịch sử thế giới. Hội nghị kéo dài 5 năm với 501 cuộc họp công khai và hơn 40 cuộc tiếp xúc bí mật, hơn 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn. Hội nghị đi đến thắng lợi cuối cùng và ghi trong Hiệp định Paris, với đánh giá về 3 nhân tố dẫn tới thắng lợi.
Thứ nhất, sự lãnh đạo của Đảng. Sự đúng đắn và sáng suốt thể hiện ở đường lối đàm phán, chiến lược đàm phán. Các quyết sách ra rất đúng thời điểm bấy giờ, khi nào khởi động, khi nào thỏa hiệp và khi nào kết thúc.
Thứ hai, sự hi sinh vô cùng to lớn của nhân dân, của chiến sỹ 2 miền Nam - Bắc, đưa đến thắng lợi quyết định trên chiến trường và trên bàn đàm phán.
Thứ ba, bản lĩnh và trí tuệ của những người làm đối ngoại, đặc biệt là những người trong đoàn đàm phán Hiệp định Paris.
- Những bài học lịch sử từ Hội nghị và Hiệp định Paris là gì, thưa Thứ trưởng?
- Có rất nhiều bài học rút ra từ Hội nghị Paris và Hiệp định Paris vẫn còn giá trị cho ngoại giao Việt Nam hiện tại.
- Bài học tiên quyết nhất là giữ vững độc lập tự chủ. Chúng ta có một bài học cay đắng về độc lập tự chủ từ Hiệp định Giơ-ne-vơ và trong đàm phán Hiệp định Paris bài học này đã được khắc phục và thực hiện một cách hoàn hảo, từ khi bắt đầu chấp nhận đàm phán tới khi kết thúc, ký kết hiệp định và giữ được nguyên tắc độc lập tự chủ. Độc lập tự chủ trong đường lối, trong chiến lược, ra quyết sách và chiến thuật đàm phán cho từng vấn đề.
Kết hợp nhịp nhàng giữa các mặt trận, nhất là kết hợp giữa đánh và đạo. Biến thắng lợi trên chiến trường là vị thế trên bàn đàm phán, đồng thời những thắng lợi trên bàn đàm phán lại tạo thế cho những chuyển động cao hơn, thắng lợi tiếp theo ở trên chiến trường.
Bài học thứ ba là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, làm cho sức mạnh tổng lực của chúng ta nhân lên bội phần và dẫn tới thắng lợi. Bằng chứng là 1.000 cuộc phỏng vấn, 500 cuộc họp báo, chiến lược tuyên truyền ở Việt Nam và tất cả các mặt trận trên thế giới đã đem chiến tranh tại Việt Nam tới tận giường ngủ củ nước Mỹ. Chúng ta đã xây dựng nên một mặt trận đoàn kết của nhân dân thế giới chống chiến tranh ở Việt Nam, đặc biệt là phong trào chống chiến tranh Việt Nam ngay trong lòng Thủ đô Washington của Mỹ.
Một bài học nữa là nghệ thuật chiến thắng từng bước. Nếu như ở Hiệp định Giơ-ne-vơ chúng ta chỉ dừng lại để đạt được những cơ sở về mặt pháp lý, cơ sở vật chất để tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng ở đàm phán Hiệp định Paris thì bài học về nghệ thuật chiến thắng từng bước được khẳng định qua chiến lược “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Với đàm phán Hiệp định Paris, những quyết sách của chúng ta tại các thời điểm chốt thể hiện rất rõ bài học này.
- Tại thời điểm bấy giờ tồn tại “tam giác quyền lực” giữa Mỹ - Liên Xô - Trung Quốc, các nhà ngoại giao Việt Nam đã đưa ra một khái niệm “làm xiếc trên dây” để làm hài hòa mỗi quan hệ trong “tam giác quyền lực” này. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về điều này?
- “Làm xiếc trên dây” là một khái niệm không chính thức. Trong bối cảnh các nước lớn có các lợi ích rất khác nhau xung quanh câu chuyện chiến tranh Việt Nam và tác động rất nhiều tới bàn đàm phán Paris thì các nhà ngoại giao Việt Nam phải tìm cách giải quyết sao cho phù hợp.
Bài học lớn nhất mà các nhà ngoại giao Việt Nam giữ vững là độc lập tự chủ. Chính vì chúng ta giữ vững được độc lập tự chủ, có bản lĩnh và trí tuệ về ngoại giao nên đã xử lý được mối quan hệ rất cân bằng, tạo ra lợi ích tối ưu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam, kể cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán.
- Tất cả các bài học mà Thứ trưởng vừa chia sẻ có giá trị như thế nào đối với hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
- Đó là những bài học vĩnh viễn đối với hoạt động ngoại giao của Việt Nam cũng như các nước nhỏ. Khi đối diện với các thách thức lớn, nhất định phải giữ vững độc lập tự chủ, nhất định phải phát huy được sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Trong bối cảnh hiện nay, trong thời bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tại Hội nghị ngoại giao rằng: Trong thời chiến thì người lính đi đầu, còn trong thời bình thì những người đi đầu trong công cuộc kiến tạo môi trường hòa bình và thuận lợi cho sự phát triển của đất nước. Đó là những điều vô cùng đúng đúng.
Những bài học của Hội nghị Paris và Hiệp định Paris vẫn còn nguyên giá trị cho hiện tại và mãi mãi.
- Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn