Trực tiếp tìm hiểu, chứng kiến cuộc sống của người dân, Thủ tướng cho rằng, mặc dù cuộc sống của bà con khá hơn trước, cơ sở hạ tầng tốt hơn, con em được học hành nhiều hơn nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. Thủ tướng cũng chia sẻ với những cán bộ địa phương đã ngày đêm lăn lộn với địa bàn.
“Vậy với địa bàn 4 cái khó, là nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và có đồng bào dân tộc đông nhất thì chúng ta phải làm gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị lãnh đạo các cấp điều hành quyết liệt hơn về công tác xóa đói giảm nghèo. Huyện, xã bàn chủ trương, biện pháp để giúp bà con có cuộc sống ấm no, thoát nghèo trong đó, tập trung vào trồng trọt và chăn nuôi.
“Lúa ở đây chưa phải có năng suất cao nhưng giúp bà con trang trải cuộc sống hàng ngày. Lúa ở đây như lương cơ bản của công chức. Lúa với khu vực đồng bằng không phải vấn đề lớn nhưng ở đây, nơi hẻo lánh thế này thì bữa cơm hàng ngày rất quan trọng”, Thủ tướng lưu ý.
Nhưng cái lo quan trọng cho đồng bào ở đây, theo Thủ tướng, chính là nâng cao dân trí. Thủ tướng nói: Dù khó khăn đến đâu thì chúng ta đều quan tâm đến việc học hành để có nền tảng dân trí tốt, xóa đói giảm nghèo lâu dài. Nguồn nhân lực quyết định sự phát triển của xã, của huyện và của tỉnh Cao Bằng. Do đó, cần phát triển hơn nữa các mô hình trường bán trú dân nuôi, làm trường tập trung cho con em học hành.
Thủ tướng mong muốn, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, từng hộ dân phải có tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo. Nông dân thời đại mới càng phải học tập, nghiên cứu để làm ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị địa phương quan tâm công tác y tế, chăm lo sức khỏe nhân dân và sửa thói quen, tập quán lạc hậu cho người dân. “Tôi nói ví dụ, đồng bào chúng ta hay uống rượu. Nếu uống rượu cả ngày thì làm sao làm việc được. Tôi nói với Tỉnh ủy Cao Bằng rằng buổi trưa, cán bộ, công chức cấm uống rượu. Còn đồng bào thì vận động dần từng bước trong giờ lao động, làm việc không nên uống rượu”, Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường đoàn kết các dân tộc trong huyện, giữ gìn an ninh trật tự, bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc. Cùng với đó là bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội địa bàn huyện xa xôi như Bảo Lâm.
Về kiến nghị của huyện, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu để đưa vào danh mục công trình đầu tư một số hạng mục bức xúc trong kế hoạch 5 năm tới trên địa bàn huyện Bảo Lâm.
Với xã Lý Bôn, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ xã xây dựng trụ sở xã với tinh thần tiết kiệm, bởi đây là xã cuối cùng của huyện chưa có trụ sở. Thủ tướng cũng đồng ý điều động 1 xe cứu thương cho huyện Bảo Lâm để cấp cứu bệnh nhân từ huyện đi tỉnh hoặc Hà Nội.
Với 803 hộ của xã chưa có điện, Thủ tướng cho rằng đây là con số lớn và giao ngành điện lực, nhà máy điện trên địa bàn có phương án hỗ trợ, xử lý giải quyết. Thủ tướng cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Cao Bằng quy hoạch lại nơi cư trú, vận động dân cư sao cho hợp lý để có thể thuận lợi kéo điện cho các hộ dân.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc Tết sớm huyện ủy, chính quyền và nhân dân địa phương huyện Bảo Lâm, trong đó có xã Lý Bôn, đón Tết vui vẻ, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm. Chỉ còn 20 ngày nữa là Tết, chính quyền địa phương phải đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ người dân. Thủ tướng chỉ đạo xã và huyện không được để người nào đứt bữa khó khăn trong dịp Tết.
“Các đồng chí phải kiểm tra, đừng để Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân ăn Tết tốt còn người dân thì chỗ này chỗ khác khó khăn. Đồng chí Bí thư phải đi sát, chứ không chỉ ở trung tâm xã, cho đoàn kiểm tra xuống xem đồng bào đón Tết ra sao”, Thủ tướng nói và cho biết sẵn sàng hỗ trợ gạo cho huyện để lo Tết cho người dân.
Cũng trong sáng nay, tại xã Lý Bôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Bảo Lâm 1 với tổng vốn đầu tư 915 tỷ đồng. Nhà máy có công suất 30 MW, sản lượng điện trung bình mỗi năm khoảng 124 triệu KWh. Đây cũng là dự án góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nhất là với huyện nghèo như Bảo Lâm.
Huyện Bảo Lâm có 59 nghìn người, với tỷ lệ đồng bào dân tộc chiếm hơn 99%. Đây là huyện biên giới có tỷ lệ nghèo đa chiều còn lớn, trên 60%, nếu tính cả hộ cận nghèo là hơn 70% số hộ.
Xã Lý Bôn hiện có 6 dân tộc với hơn 5.400 nhân khẩu, sinh sống trên địa bàn khá rộng, trên 11 nghìn ha. Trong 1.069 hộ của xã thì có khoảng 34% là hộ nghèo.
P.T
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn