Thủ tướng cảm động vì đi thị sát đê thấy cấp dưới đã trực chiến cả đêm

Thứ sáu - 15/05/2020 08:59
(Dân trí) - Thủ tướng kể lần đi tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng đúng đợt mưa lũ, ông đi kiểm tra một đoạn đê xung yếu, có nguy cơ vỡ. Sáng sớm đến thì thấy cả Ban thường vụ Thành ủy đã trực ở đó cả đêm… >>

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể câu chuyện trên tại Hội nghị trực tuyến công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai chiều 15/5.

Thủ tướng cảm động vì đi thị sát đê thấy cấp dưới đã trực chiến cả đêm
Thủ tướng cảm ơn các tổ chức quốc tế đã tích cực hỗ trợ Việt Nam phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Đầu tư máy bay không người lái phục vụ chống thiên tai!

Tại hội nghị, nhiều vấn đề thực tế từ nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai ở các địa phương được chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, nhiều năm qua, địa bàn đều xảy ra những đợt thiên tai thảm khốc, đặc trưng nhất là mưa đá và lũ ống, lũ quét, sạt lở đất do địa hình phức tạp, núi cao, sông suối chia cắt lớn.

4 tháng đầu năm 2020, Yên Bái đã có 5 đợt thiên tai, trong đó có 4 trận mưa đá, 1 trận mưa giông làm 1 người chết, thiệt hại nhiều về nhà cửa, tài sản của người dân.

Điểm đáng chú ý là hiện tượng mưa đá năm nay xảy ra nhiều hơn hẳn, xuất hiện trên diện rộng, trong đó Yên Bái ghi nhận nhiều điểm mức độ dữ dội.

“Các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, thiên tai thời gian vừa qua liên tục xảy ra theo chiều hướng gia tăng, cường độ ngày càng lớn, mức độ nguy hiểm cao và tính phức tạp rất khó dự báo là nỗi lo lớn của địa phương” – Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái trình bày.

Ông Duy kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xây dựng chương trình tổng thể về di dân tái định cư để đưa người dân khỏi khu vực nguy hiểm (nằm trên bản đồ khu vực nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất), đưa nội dung này vào kế hoạch bố trí vốn đầu tư công.

Vấn đề thiết thực khác là đầu tư nâng cấp, bổ sung thiết bị chuyên dùng trong cứu hộ cứu nạn, nhất là nên đầu tư thiết bị máy bay không người lái, trang bị đến từng quân khu.

Chủ tịch Yên Bái nêu ví dụ, năm 2018, Yên Bái xảy ra thảm họa lũ quét, sạt lở đất, để tiếp cận với 2 xã bị cô lập, dù đoạn đường chỉ 15km nhưng để có thể đi bộ khảo sát sẽ mất một vài ngày. Ông Duy khi đó đã cố gắng mượn một thiết bị bay không người lái từ một doanh nghiệp ở Hà Nội đưa về thì chỉ mất 30 phút là khảo sát được toàn bộ 2 tuyến đường bị sạt lở, chia cắt để định ra hướng khắc phục.

Chủ tịch Yên Bái tính toán, nếu đầu tư đồng bộ 1-2 thiết bị này cho cấp quân khu thì mất 7-8 tỷ đồng, chỉ bằng một chiếc ô tô mua sắm mới mà giúp ích được rất nhiều trong việc tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre thì chia sẻ những kinh nghiệm ứng phó hạn mặn của vùng đất “tứ bề ngập mặn” này. Giải pháp đề ra là những đầu tư căn cơ vào các công trình thủy lợi. Bến Tre khẳng định đến 2030, hệ thống hồ chứa nước ngọt hoàn thành sẽ đảm bảo “ngọt hóa” được toàn bộ địa bàn.

Không đầu hàng thiên tai trong bất cứ trường hợp nào

Thủ tướng cảm động vì đi thị sát đê thấy cấp dưới đã trực chiến cả đêm - Ảnh minh hoạ 2
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ý nghĩa của công tác liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân, thứ mà nhà nước coi trọng nhất, thứ cả hệ thống nhất định phải bảo vệ.

Thủ tướng nhắc lại những con số thống kê của năm 2019, cả nước gánh chịu 13 đợt nắng nóng, 12 cơn bão, hàng chục trận lũ quét, hiện đang đối mặt với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử… để thấy, chung sống với thiên tai là đặc trưng lịch sử của Việt Nam. Đất nước hình chữ S được đánh giá là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Từ đó, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chung sống với thiên tai, để đối phó với “thủy”, “hỏa”, “đạo”, “tặc”. Nhận thức rõ về việc này, Việt Nam đã thành lập cả một Ban chỉ đạo quốc gia do một Phó Thủ tướng (Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng) đứng đầu, tập hợp lãnh đạo nhiều Bộ, ngành, cơ quan để điều hành việc phòng chống, khắc phục hậu quả của thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Thời gian qua, Ban chỉ đạo đã hoạt động rất hiệu quả. Kết quả đưa lại là cả nước đã kéo giảm được con số thiệt hại do thiên tai trong năm 2019 xuống mức kỷ lục, giảm 44% số người chết, giảm từ nhiều chục nghìn tỷ đồng thiệt hại tài sản trong các năm trước đó xuống còn 7.000 tỷ. Thủ tướng đặc biệt biểu dương các lãnh đạo trong Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với kết quả đạt được.

Có thể thấy, tại Việt Nam, từ người dân tới nhà nước đều luôn sẵn sàng tinh thần chống thiên tai, địch họa.

Thủ tướng kể chuyện, 4 năm trước, ông về Hải Phòng tiếp xúc cử tri đúng đợt mưa lũ cấp tập, nghe tin tuyến đê Hoàng Long bị đe dọa nghiêm trọng có nguy cơ vỡ, mà hậu quả nếu xảy ra sẽ vô cùng nặng nề cho nhiều tỉnh miền Bắc, ông yêu cầu đi kiểm tra. Thủ tướng đã hết sức cảm động khi sáng sớm tới điểm xung yếu thì thấy cả Ban thường vụ Thành ủy Hải Phòng có mặt ở đó, đã “trực chiến” suốt đêm. Tuyến đê được bảo vệ an toàn.

Cũng với việc phát huy tinh thần chủ động ứng phó thiên tai, vụ đông xuân 2019-2020, Thủ tướng cho biết, Việt Nam được mùa lớn dù hạn mặn diễn ra khốc liệt ở mức lịch sử ở ĐBSCL. Đó là do các cơ quan đã dự báo được, từ tháng 9/2019 đã tổ chức họp, quyết định chuyển thời vụ, tổ chức gieo sạ sớm, đồng loạt tại khu vực này.

“Với tin vui này, nhiều khả năng 2020, Việt Nam sẽ đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực. Như vậy, tôi đề nghị Bộ Công Thương thúc đẩy tự lo lưu thông xuất khẩu lương thực để người dân được hưởng thành quả của một năm vừa được mùa vừa được giá” – Thủ tướng phấn khởi thông tin.

Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý, thời tiết hiện diến biến ngày càng dị thường, với mức độ cực đoan lớn. Dự báo, những hiện tượng như mưa đá, giông lốc, bão lũ… sẽ xảy ra suốt năm 2020, trải rộng khắp đất nước.

Những dấu hiệu bất thường của thời tiết đã thể hiện khi đến tháng 4, tháng 5 vẫn còn những lạnh sâu. Theo quy luật chung thì đáng ra lũ, lốc cũng phải tới tháng 5, tháng 6 mới “đổ” xuống miền Trung, rồi lui dần về phía Nam nhưng đến giờ cần xác định lúc nào cũng có thể xảy ra lũ, lốc.

“Dù 2019, cả nước đã thành công khi khống chế được thiệt hại ở mức rất thấp nhưng ngay từ những ngày đầu năm 2020, thiên tai đã dữ dằn quá. Mỗi cơ quan, đơn vị, người dân càng phải chủ động ứng phó, xử lý vấn đề đồng bộ, không để nước đến chân mới nhảy. Không được đầu hàng thiên tai, đầu hàng thiên nhiên trong bất cứ trường hợp nào, với bất cứ lý do nào” – Thủ tướng quán triệt chỉ đạo.

Phương Thảo

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây