Dự thảo Nghị định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do Thanh tra Chính phủ chủ trì soạn thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Gửi ý kiến góp ý, Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung 1 khoản quy định về việc nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lợi dụng chủ trương của Đảng và quy định của nghị định này có hành vi tố cáo hoặc cung cấp thông tin sai sự thật nhằm bôi nhọ uy tín, danh dự của người kê khai tài sản, thu nhập làm ảnh hưởng lòng tin của quần chúng nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên.
“Trong thực tế có nhiều trường hợp gửi đơn tố cáo hoặc đưa tin sai sự thật lên mạng xã hội nhằm "câu like" gây hoang mang dư luận. Đây là hành vi vi phạm pháp luật cần bị lên án và xử lý nghiêm minh, nhất là đối với công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian chuẩn bị nhân sự đại hội, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ”- cơ quan này nêu thực tế.
Ban Công tác đại biểu cho rằng việc bổ sung quy định xử lý sẽ tạo sự đồng bộ, liên kết với các quy định khác của pháp luật (Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật an ninh mạng;…) chủ động ngăn ngừa, phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý giúp cho công tác xử lý được thuận lợi nếu có vi phạm xảy ra. Từ đó không để những hành vi vi phạm pháp luật này làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người kê khai tài sản, thu nhập, uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị và của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc xử lý những vấn đề này đã được quy định trong các luật khác, nên không cần thiết phải quy định trong nghị định này.
Trong khi đó, Tổ chức Hướng tới minh bạch đề xuất Thanh tra Chính phủ bổ sung quy định kê khai cả tài sản của thành viên trong gia đình (vợ, chồng, con) bao gồm cả thông tin cổ phiếu, vốn góp đã và đang sở hữu trước thời điểm kê khai; thông tin về khoản đầu tư uỷ thác.
Thậm chí có thể nghiên cứu thiết kế bảng kê khai tài sản, thu nhập online. Từ đó có cơ chế chia sẻ thông tin kê khai tài sản, thu nhập đối với hệ thống dữ liệu điện tử của các cơ quan nhà nước có liên quan, hình thức xử lý và vi phạm.
Không đồng tình, Thanh tra Chính phủ khẳng định những đề xuất, góp ý của Tổ chức Hướng tới minh bạch chưa được Luật Phòng chống tham nhũng quy định.
Dự thảo nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định đề xuất, chậm nhất là ngày 30/1 hàng năm, người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức việc xây dựng kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hàng năm và xác định cụ thể các cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh.
Số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 10% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát.
Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lại đưa vào kế hoạch xác minh hàng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát. Việc lựa chọn người được xác minh ngẫu nhiên được thực hiện bằng hình thức bốc thăm (hoặc sử dụng phần mềm lựa chọn ngẫu nhiên).
“Số người được lựa chọn xác minh ngẫu nhiên tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhưng ít nhất là 2 người tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh theo kế hoạch, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị”- Thanh tra Chính phủ cho hay.
Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn