Theo đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên), việc xử phạt 45% tài sản không chứng minh được nguồn gốc một cách hợp lý sẽ sinh ra mâu thuẫn xã hội và rất khó xử phạt nếu đó không phải phải tài sản do phạm tội mà có.
Vị đại biểu tỉnh Điện Biên cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan dân chủ, đại biểu dân cử phát hiện có dấu hiệu tham nhũng nhưng không chuyển kiến nghị sang cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán. Việc quy định giao dịch trên 2 triệu phải thông qua tài khoản là khó thực hiện vì hiện nay ở nhiều nơi vùng sâu, xa, miền núi nhiều nơi chưa có cây ATM.
Đại biểu Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cũng cho rằng xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hay không chứng minh dược phải đảm bảo phù hợp với thực tiễn.
“Cần có quy định làm rõ thế nào là giải trình không hợp lý vì tài sản hình thành từ nhiều nguồn khác nhau trong khi nhiều người không muốn kê khai tài sản như tài sản thừa kế. Điều này có thể dẫn đến khiếu nại kéo dài”- ông Bình nói.
Dẫn ra chuyện “sân sau”, “gửi giá”, “lại quả” xảy ra ở nhiều cơ quan ngoài nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) khẳng định dự thảo luật mở rộng phòng chống tham nhũng sang khu vực tư là phù hợp. Tuy vậy nhiều quy định trong dự thảo luật liên quan đến vấn đề này chưa khả thi, có thể gây khó cho doanh nghiệp nên cần được đánh giá lại kỹ lưỡng.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phản ánh, cử tri vui mừng trước quyết tâm của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và nhân dân mong muốn kiên quyết, kiên trì tiêu diệt tham nhũng, xử lý nghiêm minh, thu hồi tài sản tham nhũng triệt để.
“Trong chống Mỹ có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong thời điểm hiện nay cần có dũng sĩ diệt tham nhũng”- ông Việt bày tỏ.
Dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) đề nghị, mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập để cần được thực hiện chặt chẽ, minh bạch và kiểm soát tài sản ngay từ đầu.
“Nhiều ý kiến cho rằng mở rộng khó nhưng vấn dề là phương pháp triển khai để kiểm tra biến động tài sản để phòng ngừa đấu tranh tham nhũng hiệu quả. Xử lý tài sản không giải tình được cần có các bước phù hợp. Tại sao chỉ xử lý 45%, vậy có phải vô tình hợp lý hóa 55% tài sản còn lại?. Cho nên cần làm rõ vấn đề này”- bà Hạnh nói.
Nhấn mạnh tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phân tích, quyền luôn gắn với trách nhiệm, do đó quy định về trách nhiệm là một trong các giải pháp để hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền.
“Tuy nhiên, không ít quy định về trách nhiệm người đứng đầu thiếu cụ thể, tính khả thi không cao. Chẳng hạn, theo dự thảo, chế độ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng tưởng chừng như đơn giản và đã rõ ràng. Người đứng đầu cơ quan thì phải chịu mọi trách nhiệm về cơ quan mình, thế nhưng cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay thì lại rất nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai”- bà Thuý nói.
Cụ thể, do sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn, không thể đòi hỏi một người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những việc mà người đó không có quyền quyết định. Thực tế cho thấy không phải người đứng đầu nào cũng có quyền tự quyết định, lựa chọn cấp phó của mình và một số nhân sự quan trọng khác.
Giả sử người đứng đầu có quyền đề cử người làm cấp phó cho mình và chịu trách nhiệm về việc đề cử đó thì trong hai hành vi - hành vi đề cử và hành vi quyết định đề bạt - hành vi nào đáng phải chịu trách nhiệm cao hơn?
“Trách nhiệm phải được truy cứu trên cơ sở hành vi, ở đây là hành vi đề bạt, thì người phải chịu trách nhiệm sẽ là một quan chức cấp trên chứ chưa hẳn đã là người đứng đầu đơn vị đó. Không ít trường hợp quy trình xét duyệt chỉ nhằm hợp thức hóa ý định của quan chức cấp trên và đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn chạy chức chạy quyền phát triển”- bà Thuý nhận định.
Nhưng trong nhiều trường hợp áp đặt trách nhiệm cho người có hành vi đề bạt là hết sức rủi ro vì người có thẩm quyền đề bạt cán bộ thường không có điều kiện để theo dõi sát hoạt động thường ngày của người được mình đề bạt nên khó có thể yêu cầu họ phải chịu trách nhiệm.
Không ít người có thẩm quyền đề bạt chỉ biết về người được đề bạt qua hồ sơ hoặc tham mưu của người làm công tác tổ chức. Trong trường hợp này, người ký quyết định đề bạt phải chịu trách nhiệm nhưng trách nhiệm cũng cần chia cho người tham mưu.
Khi tham nhũng xảy ra có thể dính đến các cấp rất cao mà việc áp đặt trách nhiệm cho các quan chức cao cấp là rất khó khăn. Từ đó, vị đại biểu TP Đà Nẵng đề nghị cần quy định theo hướng chế độ trách nhiệm phải được xác lập trên cơ sở những quyền hạn thực tế mà những người đứng đầu đang có.
“Việc áp đặt trách nhiệm một cách tràn lan, không căn cứ vào hành vi như trong dự thảo luật này chỉ mang đến những kết quả ngược lại. Đơn giản là điều này chỉ khuyến khích những người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị che giấu tham nhũng mà thôi”-bà Thuý nhận định.
Tác giả: Thế Kha
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn