Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút hệ thống tên lửa trên Quần đảo Hoàng Sa

Thứ năm - 14/06/2018 14:51
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái, rút các trang thiết bị quân sự đã triển khai trái phép trên Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam” - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút hệ thống tên lửa trên Quần đảo Hoàng Sa
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng

Liên quan đến thông tin hệ thống ảnh vệ tinh của tình báo Israel ngày 8/6 phát hiện Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa trên đảo Phú Lâm, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, việc Trung Quốc triển khai các trang thiết bị quân sự ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã phát biểu nhiều lần.

“Tôi xin một lần nữa khẳng định: Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động được tiến hành tại hai quần đảo này mà không được phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp, vô giá trị và vi phạm chủ quyền của Việt Nam.” - bà Hằng khẳng định.

Việc Trung Quốc triển khai lại tên lửa ở đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Quần đảo Hoàng Sa, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như an ninh an toàn, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái, rút các trang thiết bị quân sự đã triển khai trái phép trên Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói.

Hôm 9/6 vừa qua, trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng diễn ra ở Canada, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định “Biển Đông phải là vùng biển hòa bình, an toàn, không quân sự hóa”.

Việt Nam hoan nghênh G7 ủng hộ lập trường chung của ASEAN về việc cần phải bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, không quân sự hóa, không có hành động đơn phương làm xói mòn lòng tin, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sơ tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) DOC, thúc đẩy sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và có hiệu lực” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong một diễn biến khác, các nhà lãnh đạo ASEAN nhận định tình hình Biển Đông trên thực tế vẫn còn phức tạp, ASEAN cần đoàn kết, vững vàng, tiếp tục đề cao lập trường và các nguyên tắc chung đã nhất trí về Biển Đông.

Các lãnh đạo hoan nghênh tiến triển tích cực ban đầu của tiến trình đàm phán xây dựng COC, thể hiện qua kết quả của cuộc họp giữa ASEAN và Trung Quốc tổ chức tại Nha Trang tháng 3; nhấn mạnh cần xây dựng COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và có khả năng điều chỉnh hành vi ứng xử của các bên liên quan, đóng góp xây dựng một trật tự khu vực dựa trên luật lệ, vì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định.

Tác giả: Châu Như Quỳnh

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây