Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu một số hạn chế như: Vẫn còn tình trạng chất vấn dài, thậm chí nhắc lại nội dung đã có trong báo cáo gửi đại biểu hoặc nặng về bình luận, giải thích; Số lượng câu hỏi tại hội trường quá nhiều so với chất vấn bằng văn bản;
Nội dung trả lời chất vấn có lúc thiếu tập trung, né tránh, thiếu tính đối thoại, không xác định trách nhiệm cụ thể, chưa thỏa đáng và chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu Quốc hội cũng như nhân dân và cử tri cả nước.
Kỳ họp thứ 3, theo Tổng thư ký Quốc hội, dự kiến Quốc hội làm việc 22,5 ngày, khai mạc ngày 22/5 và bế mạc ngày 21/6/2017. Dự kiến tại kỳ họp này Quốc hội xem xét thông qua 13 dự án luật, cho ý kiến 8 dự án luật khác.
Điểm đáng chú ý, theo Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, qua tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn để đại biểu có thêm thời gian tranh luận, làm rõ vấn đề nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội.
“Vì vậy, đề nghị UB Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép từ kỳ họp thứ 3 trở đi bố trí 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp”, Tổng Thư ký Quốc hội phát biểu.
Nhấn mạnh chất vấn là hoạt động được cử tri quan tâm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đồng tình tăng thời gian chất vấn.
“Sau kỳ họp thứ hai, cử tri cho rằng việc bố trí thời gian chưa đáp ứng vì khi chất vấn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời tại hội trường” - ông Chiến phản ánh.
Ông Chiến cũng đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp những nội dung các thành viên Chính phủ đã hứa sẽ bổ sung khi trả lời chất vấn, trong đó có các dự án “đắp chiếu”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý tăng thời gian chất vấn lên 3 ngày từ kỳ họp thứ 3 và nhấn mạnh thêm, tất cả lời hứa trả lời bằng văn bản của các thành viên Chính phủ thì việc giám sát phải nhắc nhở để có báo cáo sớm và công khai.
Trao đổi thêm về vấn đề tăng tính tranh luận trong các phiên thảo luận tại nghị trường, nhấn mạnh quyền giơ biển tranh luận như điểm mới của kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, vẫn còn một số đại biểu dùng quyền này để phát biểu ý kiến chứ không phải tranh luận.
Một số ý kiến cho rằng đại biểu chỉ nên tranh luận với cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án luật chứ đại biểu không nên tranh luận với nhau. Nhưng theo Chủ tịch Quốc hội thì đã tranh luận thì không loại trừ việc các đại biểu tranh luận với nhau.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định nhận xét, việc Bộ trưởng trực tiếp giải trình tại các phiên thảo luận toàn thể được đánh giá cao.
Đã tham gia 5 khoá Quốc hội, đại biểu Lê Thị Nga nói, nếu so với các khoá khác thì kỳ họp thứ hai này nhiều đại biểu vào cuộc rất nhanh.
Đánh giá cao việc sử dụng biển tranh luận, đại biểu Nga cho rằng thời gian dành cho thảo luận có hạn nên một số vị giơ biển tranh luận để có thể được phát biểu ý kiến của mình, sau khi nêu vài ý tranh luận.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn