Ký ức Hà Nội những ngày Toàn quốc kháng chiến
Với gần 200 hiện vật, hình ảnh Hà Nội trong những ngày toàn quốc kháng chiến được tái hiện một cách chân thực nhất trong triển lãm "Sống mãi với Thủ đô" đang diễn ra tại Hà Nội.
Triển lãm được chia thành ba chủ đề lớn: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập; Hà Nội - 60 ngày đêm khói lửa (19/12/1946 đến 17/2/1947) và Giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Trong đó, nổi bật là hình ảnh chiến đấu anh dũng của quân, dân Thủ đô trong 60 ngày đêm.
Trong các ngày 15, 16/12/1946 quân Pháp liên tục khiêu khích nổ súng, ném lựu đạn nhiều nơi ở Hà Nội, làm chết nhiều thường dân, bộ đội và công an của ta. Bộ chỉ huy quân đội Pháp phổ biến kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và khu vực phía bắc vĩ tuyến 16. Trưa ngày 17/12/1946, quân đội Pháp cho xe ủi phá các công sự của ta ở phố Lò Đúc, đồng thời gây ra vụ thảm sát đẫm máu ở phố Hàng Bún và Yên Ninh. Đây là những giờ phút mà sức chịu đựng của nhân dân ta trước sự khiêu khích, lấn tới của thực dân Pháp đã vượt quá giới hạn. Trong ảnh là hình ảnh quân Pháp tấn công đánh chiếm phố Hoa Kiều tại Hà Nội, ngày đầu Hà Nội kháng chiến, 12/1946.
Trưa ngày 19/12/1946, Thường vụ Trung ương Đảng điện cho các Khu và Tỉnh ủy: Giặc Pháp đã hạ tối hậu thư đòi tước khí giới của quân đội, tự vệ, công an ta. Chính phủ đã bác bỏ tối hậu thư ấy. Như vậy chỉ trong vòng 24 giờ là cùng, chắc chắn giặc Pháp sẽ nổ súng. Chỉ thị của Trung ương: “Tất cả hãy sẵn sàng”.
Chiều ngày 19/12/1946, Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển đến các đơn vị lực lượng vũ trang mật lệnh về ngày và giờ của cuộc giao chiến trong toàn quốc.
"Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946 là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong ảnh là bút tích "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946.
Sáng ngày 20/12/1946, Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (viết ngày 19/12/1946) được phát đi khắp cả nước.
Để chuẩn bị kháng chiến, cả nước được chia thành 12 chiến khu. Khu đặc biệt Hà Nội được đổi tên là Chiến khu XI. Khu ủy, ủy ban bảo vệ, Bộ Chỉ huy chiến khu XI đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương. Thành ủy Hà Nội được kiện toàn và đổi thành Khu ủy XI. Bộ Chỉ huy Chiến khu XI quản lý, chỉ huy cả lực lượng Vệ quốc đoàn và dân quân tự vệ tại Thủ đô.
Bộ Chỉ huy Chiến khu XI được kiện toàn. Lực lượng chủ lực bao gồm 5 tiểu đoàn Vệ quốc đoàn, 1 đại đội cảnh vệ, 4 trung đội pháo cao xạ ở các pháo đài Láng, Xuân Canh, Thổ Khối, Xuân Tảo, với tổng quân số là 2.516 người, được trang bị 1.516 súng trường, 3 trung liên, 1 đại liên, 1 ba-dô-ka 60 ly, 1.000 lựu đạn, 80 bom ba càng, 200 chai xăng cơ-rếp, 7 khẩu pháo cao xạ, 1 khẩu sơn pháo 75 ly, 1 khẩu pháo 25 ly, 2 khẩu cối 60 ly. Lực lượng địa phương gần 10.000 người, với Đội tự vệ chiến đấu làm nòng cốt, vũ khí có khoảng 500 - 600 súng trường, 2 trung liên, một số súng ngắn, một số mìn, lựu đạn và giáo mác. Chiến khu tổ chức 13 đội quyết tử đánh xe tăng và 36 tổ du kích đặc biệt.
Để bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu với địch, nội thành Hà Nội được chia thành 3 liên khu. Liên khu 1 Đông Bắc thành phố, tương đương với quận Hoàn Kiếm ngày nay. Liên khu 2 ở phía Nam, bao gồm toàn bộ quận Hai Bà Trưng ngày nay. Liên khu 3 ở phía Tây, bao gồm quận Đống Đa, một phần quận Ba Đình ngày nay. Để tăng cường lực lượng cho Thủ đô chiến đấu, Bộ Tổng chỉ huy cũng quyết định bổ sung 2 đại đội của Tiểu đoàn 56, Trung đoàn 13 Hà Đông cho Hà Nội.
Cuốc chim, dao thái thịt, dao găm được sử dụng trong năm 1946 và 1947.
Phố Hàng Đào, Cầu Gỗ tại Hà Nội sẵng sàng chiến đấu.
Một tổ trọng liên của đội tự vệ nhà ga Hà Nội đang theo dõi máy bay địch, năm 1946 - 1947.
Súng tiểu liên của bộ đội ta sử dụng trong chiến đấu năm 1946 - 1947.
Trải qua 60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, sáng tạo, quân và dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho cơ quan đầu não, tản cư, bảo đảm an toàn cho nhân dân; chuyển hàng ngàn tấn máy móc, vật tư ra An toàn khu, tạo tiềm lực ban đầu cho kháng chiến. Trong ảnh là xe tăng hạng nặng của quân Pháp vây đánh các ổ đề kháng của ta ở khu vực Bắc Bộ Phủ bị tiêu diệt, 12/1946.
60 ngày đêm chiến đấu kiên cường, anh dũng, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, quân và dân Thủ đô đã đánh hàng trăm trận, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, giam chân chúng dài ngày trong thành phố, tạo điều kiện để cả nước bước vào chiến tranh, triển khai thế trận chiến đấu lâu dài tiếp theo.
Xuân Ngọc