Tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Bạc Liêu khóa IX diễn ra từ ngày 4-6/12, một số vấn đề bức xúc như vi phạm trật tự xây dựng, nước ngập… đã được nhiều đại biểu truy vấn các lãnh đạo ngành Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Có hiện tượng phạt xong cho tồn tại?
Ông Nguyễn Huy Dũng- Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu, cho biết trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh có 138 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng bị phát hiện, xử lý (TP Bạc Liêu là nhiều nhất). Trong đó, có 53 trường hợp chấp hành quyết định xử phạt, 85 trường hợp còn lại chưa chấp hành.
Theo ông Dũng, có nhiều công trình vi phạm đã có quyết định xử lý nhưng chủ hộ vẫn ngang nhiên tiếp tục xây dựng hoàn thiện đưa vào khai thác, sử dụng và địa phương cũng chưa thực hiện được việc cưỡng chế, tháo dỡ theo quy định.
“Tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh thời gian qua tuy có giảm nhưng vẫn còn nhiều và ngày càng phức tạp, gây bức xúc trong dư luận”, ông Dũng nhìn nhận.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu cho rằng, một phần nguyên nhân do cấp huyện, xã chưa quyết liệt, chưa mạnh dạn xử lý, xử nghiêm các công trình vi phạm, thậm chí có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, nể nang, ngại va chạm.
Chất vấn trực tiếp tại nghị trường, đại biểu Bùi Thanh Nguyên cho rằng, có những vụ việc vi phạm trật tự xây dựng mặc dù có cả chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh nhưng các đơn vị, ngành cũng không triển khai thực hiện. “Người dân phản ảnh hiện nay xử phạt rồi cho tồn tại công trình, việc này có hay không, nếu có thì xử lý thế nào?”, đại biểu Nguyên “truy” lãnh đạo ngành Xây dựng.
Trong khi đó, bà Lê Thị Ái Nam - Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu nhận định, với những trường hợp vi phạm chưa chấp hành quyết định xử phạt, cho thấy ý thức chấp hành luật pháp của một bộ phận người dân trên lĩnh vực này chưa tốt. "Theo báo cáo của Sở Xây dựng chỉ có một ý thôi là sẽ xem xét, sắp tới xử lý nhưng cụ thể là giải quyết như thế nào những công trình hiện nay đang tồn tại chưa chấp hành xử phạt?”, bà Ái Nam đặt vấn đề.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu - ông Nguyễn Huy Dũng thừa nhận, việc dân phản ánh xử phạt rồi cho tồn tại công trình là có cơ sở từ trong thực tế. “Thời gian qua có công trình lập biên bản xử lý, theo quy định phải cưỡng chế tháo dỡ, nhưng chúng ta chưa làm được cái này, thành ra tạo dư luận, người dân ỷ lại nghỉ là phạt rồi được cho tồn tại...”, ông Dũng lý giải.
Theo ông Dũng, quy định trước đây cũng có một số trường hợp phạt rồi cho tồn tại, nhưng kể từ khi Nghị định 139 có hiệu lực từ ngày 15/1/2018 thì không còn quy định này nữa. Do đó, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh đối với những trường hợp này thì cương quyết cưỡng chế tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu cho biết, các ngành chức năng đang đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý cụ thể từng nhóm công trình (với 397 công trình cần phải xử lý). “Tôi xác định đây là việc làm rất khó, xử lý tồn đọng, có những công trình vi phạm từ năm 2004 đến giờ vẫn còn”, ông Dũng trăn trở.
Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu - bà Lê Thị Ái Nam cho rằng, phòng bệnh hơn chữa bệnh, nên việc đầu tiên là cần tăng cường tuyên truyền giáo dục cho người dân biết việc xây dựng phải có phép để người dân biết mà chấp hành pháp luật. “Nếu quá trình cấp phép mà thủ tục còn rườm rà, thời gian kéo dài thì Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban tỉnh tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thuận lợi hơn cho người dân”, bà Ái Nam yêu cầu.
Theo Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu, nếu Ủy ban tỉnh chỉ đạo mà địa phương không tích cực thực hiện thì kết quả vẫn như hiện nay. “Ở cấp huyện, xã mới phát hiện kịp thời trường hợp nào xây dựng, vi phạm. Do đó, các địa phương quản lý chặt địa bàn, cần phối hợp Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra để nhắc nhở, cảnh cáo, kể cả xử phạt, tránh tình trạng xử phạt rồi cho tồn tại công trình”, bà Lê Thị Ái Nam lưu ý.
Giám đốc Sở NN&PTNT: Khó trả lời chống ngập đạt 100%
Đại biểu Trương Thanh Nhã đã chất vấn ngành NN&PTNT về tình trạng triều cường dâng cao, một số tuyến đường nội ô TP Bạc Liêu luôn bị ngập, ảnh hưởng rất lớn đến vệ sinh môi trường, việc mua bán, đi lại của người dân.
Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, thừa nhận tình trạng đúng như ý kiến phản ánh của đại biểu. “Để khắc phục, Ủy ban tỉnh đã phê duyệt xây dựng 24 cống trên tuyến đê biển Đông và 4 cống trên tuyến kè Gành Hào… để tuyến đê biển sớm được khép kín, nhằm ngăn chặn triều cường, để chống ngập”, ông Ly nêu giải pháp.
"Gần đây tỷ lệ ngập nhiều hơn, sâu hơn, thời gian kéo dài hơn. Có những tuyến đường trước đây không ngập, nhưng bây giờ lại ngập rất sâu. Với những giải pháp mà Giám đốc Sở đưa ra, tôi xin hỏi Giám đốc có khẳng định chắc chắn sẽ hạn chế hiệu quả triều cường ngập nói riêng ở TP Bạc Liêu hay không, để bà con cử tri theo dõi?”, đại biểu Trương Thanh Nhã quyết liệt.
Giám đốc Sở NN&PTNT Lưu Hoàng Ly cho rằng, khi đầu tư hệ thống cống trên các tuyến đê thì kể cả các cấp chính quyền, Tỉnh ủy, Ủy ban, HĐND, ai cũng kỳ vọng như mong đợi của đại biểu Nhã đặt ra.
“Nhưng giải pháp công trình đầu tư thì hy vọng có hiệu quả, cố gắng làm sao để đạt, chứ để được 100% thì cũng không biết sao trả lời”, ông Ly phân vân.
Do vậy, để như kỳ vọng của đại biểu cũng như nhân dân, theo ông Lưu Hoàng Ly thì “chúng ta sẽ cùng góp công, góp sức, góp ý trong quá trình xây dựng dự án, hy vọng sẽ chống được ngập, đặc biệt là TP Bạc Liêu”.
Chốt lại lĩnh vực của ngành NN&PTNT, ông Phạm Văn Thiều - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng do biến đổi khí hậu nên tác động rất lớn đến việc xâm nhập từ ngoài biển vào gây ngập ở TP Bạc Liêu. Việc này bà con rất bức xúc, bởi ảnh hưởng lớn đến đời sống, ô nhiễm môi trường,…
“Do đó, đề nghị các sở, ngành chuyên môn tích cực tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo làm sao quyết liệt, khẩn trương, kịp thời những giải pháp đã đưa ra để có hiệu quả, chứ cứ "tình tang" thì dân lại chịu thiệt thòi, hết sức khó khăn”, ông Thiều yêu cầu.
Huỳnh Hải
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn