Ngày 5/12, kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Quảng Trị, khóa VII bước vào ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận, chất vấn tại hội trường.
Vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đối với địa phương “thuần nông” như Quảng Trị dành được sự quan tâm. Các đại biểu cho rằng, việc sản xuất nông nghiệp tại Quảng Trị còn manh mún, chất lượng và giá trị chưa cao, đầu ra sản phẩm chưa ổn định.
Trong vấn đề xây dựng nông thôn mới, còn gặp nhiều khó khăn đối với các địa phương miền núi, ven biển, làm sao để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí?
Ông Hồ Xuân Hoè – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được tỉnh Quảng Trị quan tâm tổ chức thực hiện có chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Nhiều giải pháp kỹ thuật mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao được áp dụng.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, tỉnh đã chú trọng tăng cường xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết sản xuất, ký hợp đồng thu mua nông sản cho nông dân, tổ chức lại sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra.
Dự kiến hết năm 2019, Quảng Trị có thêm từ 6-8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 58-60 xã (chiếm tỷ lệ từ 49,5-51,2%). Đặc biệt, Cam Lộ trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm tại kỳ họp, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2020-2025 cần rà soát để “về đích” thêm 1 đến 2 huyện NTM. 2 địa phương được đề xuất là huyện Vĩnh Linh và Triệu Phong. Đây là 2 huyện có lợi thế để “về đích” NTM và hoàn toàn có cơ sở.
Đối với huyện Vĩnh Linh, có 2 xã miền núi là Vĩnh Ô và Vĩnh Khê. Để xây dựng NTM thì có thể dồn mọi nguồn lực để tập trung xây dựng nông thôn mới.
Ngoài nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, còn có nguồn lực từ chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững để tập trung cho xây dựng NTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh lý giải, về cơ sở hạ tầng các địa phương này đã hoàn thành cơ bản, bây giờ chủ yếu là tiêu chí về việc làm, thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin: Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14, Quốc hội đã thông qua đề án phát triển KT-XH vùng miền núi, dân tộc thiểu số.
“Từ năm 2020, chúng ta sẽ lồng ghép chương trình này vào để đào tạo nghề, chuyển đổi sinh kế cho người dân. Đặc biệt, trong này cũng chuyển đổi một phần diện tích đất rừng sản xuất cho người dân”, ông Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, một khi đã giải quyết được vấn đề đất ở, đất sản xuất và việc làm thì xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê chắc chắn đạt được, mục tiêu huyện Vĩnh Linh “về đích” nông thôn mới trong giai đoạn 2021-2022 sẽ khả thi.
Huyện Triệu Phong có mấy xã bãi ngang ven biển, nếu trong giai đoạn 2020-2025 mà chọn huyện này thì hoàn toàn có cơ sở và đầy đủ mọi nguồn lực.
Đăng Đức
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn