Trình bày tờ trình về dự án luật, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ tập trung quy định công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngoại thương, bao gồm quy định về các biện pháp quản lý, giải quyết tranh chấp trong hoạt động ngoại thương hàng hóa và các biện pháp phát triển ngoại thương.
Nhất trí với quan điểm này nhưng cơ quan thẩm tra dự án luật – UB Kinh tế của Quốc hội chưa đồng tình với một số quy định cụ thể.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Thường trực UB Kinh tế đề nghị quy định cụ thể danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu tại dự thảo luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cao, minh bạch, ổn định, dễ áp dụng. Việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân được thể hiện ngay trong luật, phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp.
Một điểm khác, dự thảo luật quy định Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan. Thường trực UB Kinh tế cũng đề nghị quy định Thủ tướng có thẩm quyền quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa vì việc này có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng nhận xét, các điều quy định thẩm quyền áp dụng trong dự thảo luật đều tập trung đầu mối là Bộ Công Thương.
Bên cạnh quyết định tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa như đã nói trên, Bộ trưởng Bộ Công Thương còn có thẩm quyền công bố hàng hóa cần áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, công bố lượng hạn ngạch, phương thức điều hành đối với từng hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan, quyết định công bố hàng hóa và cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tương ứng...
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhận xét, đọc dự thảo luật có cảm giác nặng nề, khi thiên về quản lý nhiều hơn là phát triển ngoại thương, từ việc quyết định hạn ngạch, áp dụng cho đối tượng nào đi, người nào phản dừng lại… trong khi hạn ngạch trong xuất nhập khẩu là vấn đề rất khó.
Ông Bình đặt câu hỏi: “Quyền lực của Bộ trưởng, của Bộ Công Thương tại dự thảo luật là rất lớn, vậy điều khoản nào để minh bạch quyền lực này?”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng băn khoăn, luật giao Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, điều này hạn chế thế nào đến quyền tự do kinh doanh đã được hiến định?
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhấn mạnh, hoạt động ngoại thương mặc nhiên liên quan đến các dịch vụ từ bến bãi, thanh toán... Do đó, cần giải trình rõ hơn tại sao luật không điều chỉnh dịch vụ để tăng tính thuyết phục khi trình Quốc hội. Ngoài ra, ban soạn thảo cũng cần rà soát các điều cấm để đảm bảo tính hợp hiến; giải trình vì sao giao đến 21 điều cho Chính phủ hướng dẫn mà không quy định ngay trong Luật…
P.Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn