Đây là một nội dung được UB Thường vụ Quốc hội thảo luận sáng nay, 15/9, khi cho ý kiến về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XIV. Theo dự kiến, chương trình kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá 14 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào 22/11/2016.
Báo cáo tình hình chuẩn bị, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa đã được bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp.
Đây là vấn đề đang được dư luận xã hội, cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm, nên đề nghị kết hợp thảo luận cùng kinh tế-xã hội, nếu có vấn đề cần thiết sẽ đưa vào nghị quyết về kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2017.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, Văn phòng Quốc hội cũng đồng thời đề nghị Chính phủ chuẩn bị báo cáo riêng hoặc thể hiện một phần trong báo cáo chung của Chính phủ về kinh tế - xã hội để trình Quốc hội.
Các uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội đều đề cập nội dung này, cho rằng cần phải có báo cáo riêng, vì đây là vấn đề lớn, được cử tri đặc biệt quan tâm.
Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, UB này đề nghị công ty gây ô nhiễm - Formosa phải thực hiện đúng quy trình về môi trường, phải làm đúng cam kết ban đầu về công nghệ thì mới có thể hoạt động.
Một lưu ý được đưa ra là nhà máy phải có hồ điều hoà, chưa có công trình này thì không cho Formosa vận hành.
Trước đó, theo báo cáo của Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà trước UB Thường vụ Quốc hội, trong số những hành vi vi phạm của Formosa, nghiêm trọng nhất trong số các vi phạm là hành vi tự khi thay đổi công nghệ xử lý cốc, từ công nghệ khô (an toàn với môi trường) sang công nghệ ướt (làm phát tán rất nhiều chất thải).
Chủ nhiệm UB Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị, báo cáo Formosa tránh để một bộ thay mặt Chính phủ soạn thảo, gửi lên rồi đánh dấu mật nhưng đọc xong thấy cũng như bài đăng trên báo đảng.
Đồng ý đề xuất này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Chúng ta không tránh né nữa, phải đối mặt với các vấn đề quan trọng, đang là thách thức của đất nước. Quốc hội phải biết mọi vấn đề, phải được báo cáo về mọi việc diễn ra”.
Phê bình Bộ trưởng không trực tiếp giải trình khi làm luật
Trao đổi về cách thức thảo luận các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý, Bộ trưởng phải trực tiếp tranh luận chứ không được uỷ quyền cho cấp dưới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập chuyện trách nhiệm của Bộ trưởng trong xây dựng pháp luật. Bà Nga nhận xét, có một xu hướng nổi lên rất mạnh là thích sửa luật đang tồn tại ở nhiều bộ ngành, luật vừa thông qua ít lâu lại trình sửa luật trong khi dự án luật trình ban đầu có vấn đề về chất lượng chuẩn bị.
Theo bà Nga, gần như mỗi vụ ở một bộ đều có luật để điều chỉnh lĩnh vực quản lý của mình và nghịch lý là Bộ trưởng nào cũng muốn nhiệm kỳ của mình có nhiều luật càng tốt nhưng khi soạn thảo, giải trình toàn giao Thứ trưởng lo. Thậm chí, những phiên thẩm tra tại UB của Quốc hội còn giao vụ trưởng làm, Bộ trưởng không thấy đâu. Nhiều Bộ trưởng cũng không có mặt ở phiên trình luật trước UB Thường vụ Quốc hội với quan điểm vấn đề đó Thứ trưởng nắm vững hơn dù đã có quy định, nếu không có Bộ trưởng thì phải là Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực đó thay mặt Chính phủ trình.
“Nếu Bộ trưởng làm đúng trách nhiệm, trực tiếp tranh luận với đại biểu đến cùng khi làm luật thì thử hỏi một bộ trong một nhiệm kỳ có dám làm đến mấy chục luật không?” - bà Nga đặt vấn đề.
Đồng tình quan điểm này, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lấy ví dụ ngay buổi họp ngày 14/9 của UB Thường vụ Quốc hội. Sáng hôm đó, khi bàn về dự án Luật Quản lý ngoại thươn, chỉ có thứ trưởng Bộ Công Thương mà theo lời Chủ nhiệm UB Kinh tế thì vị thứ trưởng cũng không phụ trách dự án luật đó dự họp. Vì thế, nếu có tiếp thu ý kiến tại phiên họp về, dự thảo luật cũng chưa chắc đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của UB Thường vụ Quốc hội. Còn buổi chiều, khi bàn về Luật Đấu giá tài sản thì Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tiếp thu rất rõ ràng.
Một nội dung khác theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2 của Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Chính phủ sẽ chuẩn bị để gửi đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2011-2015 và định hướng kế hoạch vay, trả nợ công 2016-2020. Trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, quản lý sử dụng vốn vay nợ công giai đoạn 2011-2015 và đề xuất định hướng công tác vay, trả nợ và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp nội dung xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Các ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm phê chuẩn TPP, xem đã có nước nào tham gia mà Quốc hội nước đó đã phê chuẩn vì theo nhận định chung, với Mỹ, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, việc phê chuẩn hiệp định này là khả năng khó, Việt Nam, theo đó, cũng không nên đi đầu trong việc phê chuẩn. Quan điểm này được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất chốt lại.
Ngoài ra, UB Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất tại kỳ họp này Quốc hội cần nghe báo cáo về công tác đối ngoại, trong đó có tình hình Biển Đông với yêu cầu cụ thể là nêu rõ về phản ứng của các nước liên quan sau khi toà trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc (phán quyết PCA) và đối sách của Việt Nam.
P.Thảo
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn