Chiều 19/6, trong buổi làm việc cuối của kỳ họp thứ 9, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.
HĐND thành phố lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch quận
Theo đó, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của chính quyền địa phương các cấp ở thành phố Đà Nẵng khi thực hiện thí điểm, mô hình chính quyền đô thị sẽ đổi mới cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND thành phố theo hướng tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách.
Nghị quyết quy định mỗi Ban của HĐND thành phố có không quá 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Trưởng ban của HĐND thành phố có thể là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách (khoản 2 Điều 2). Quy định như vậy nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động cho thành phố trong trường hợp cần bố trí tăng thêm số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại mỗi ban.
Để tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp ở quận, Nghị quyết đã bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân quận.
HĐND thành phố có thẩm quyền xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với Chủ tịch UBND quận, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân quận.
Đồng thời, để cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận trước HĐND thành phố, Nghị quyết quy định HĐND thành phố có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận và hệ quả của việc lấy phiếu tín nhiệm.
Với đề xuất đổi tên gọi UBND quận, UBND phường thành Ủy ban hành chính vì thành phố chỉ có một cấp chính quyền duy nhất, báo cáo giải trình của UB Thường vụ Quốc hội phân tích, tuy UBND quận, UBND phường nơi thực hiện thí điểm có sự khác biệt cơ bản về địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức và chế độ làm việc nhưng việc đổi tên thành Ủy ban hành chính ngay trong giai đoạn này sẽ dẫn đến những thay đổi chưa thực sự cần thiết trong việc cấp, đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức ở địa phương và phải sửa đổi, điều chỉnh các thông tin có liên quan trong hệ thống dữ liệu chung của quốc gia. Điều này gây tốn kém, khó khăn cho người dân và công tác quản lý nhà nước.
Việc giữ tên gọi UBND như khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội từ năm 2019 không có vướng mắc. Theo đó, ban soạn thảo Nghị quyết vẫn giữ nguyên tên gọi UBND tại các cơ quan hành chính quận, phường.
Thêm thẩm quyền cho Chủ tịch UBND thành phố
Với mô hình chính quyền địa phương, thẩm quyền của Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch UBND phường trong công tác nhân sự được bổ sung nhiều điểm.
Ngoài ra, quá trình thảo luận về dự thảo Nghị quyết, có một số ý kiến đề nghị thực hiện thí điểm người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND để bảo đảm quyền của người dân trong việc lựa chọn người đứng đầu chính quyền địa phương, đồng thời có cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND.
Chủ nhiệm UB Pháp luật nhận định, việc tổ chức để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND là hình thức dân chủ trực tiếp, qua đó người dân giám sát và kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu chính quyền địa phương.
Để có thể áp dụng được cơ chế này cần phải có sự nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng.
Do đó, cơ quan giải trình, tiếp thu chưa quy định nội dung này trong Nghị quyết.
Để giám sát, kiểm soát quyền lực đối với Chủ tịch UBND quận, phường, Nghị quyết đã quy định cơ chế chịu trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận, phường; bổ sung thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc lấy phiếu tín nhiệm và xem xét việc trả lời chất vấn đối với Chủ tịch UBND quận; đồng thời tiếp tục duy trì cơ chế kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như hiện nay.
Về cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Quốc hội thống nhất không giao thành phố thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chung thành phố như đề xuất của Chính phủ nhưng Chủ tịch UBND Đà Nẵng có quyền điều chỉnh quy hoạch cục bộ đô thị.
Cụ thể, Nghị quyết quy định trên cơ sở đồ án quy hoạch đô thị thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt, Thủ tướng quyết định việc phân cấp cho UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị thành phố theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng quy định và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Thái Anh
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn