Khuyến khích đăng ký bầu trực tiếp bí thư
Đầu tháng 6/2020, Tỉnh ủy Quảng Ninh chính thức báo cáo, đề xuất với đoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Đảng, sau đó báo cáo lên Bộ Chính trị đồng ý cho chủ trương được thực hiện thí điểm bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV tới đây.
Đề xuất của Quảng Ninh dẫn chiếu Chỉ thị số 35 (ban hành ngày 30/5/2009) của Bộ Chính trị chỉ đạo công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Cụ thể, tinh thần của Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị là khuyến khích địa phương nào có đầy đủ điều kiện thì tiến hành bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Đó là những nơi mà việc lựa chọn người đứng đầu phải được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch, công phu. Nhân sự được lựa chọn phải là người được thực tiễn thừa nhận, khẳng định. Trong quá trình chuẩn bị, nhân sự phải có sự tín nhiệm qua các bước ở dưới cũng như sự tin tưởng của cấp trên.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, địa phương đã chuẩn bị kỹ các bước đi cho việc này. Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã thực hiện 100% việc bầu bí thư cấp ủy tại đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở, kể cả Đảng bộ Công an tỉnh, Biên phòng tỉnh sau khi thống nhất với đảng ủy lực lượng vũ trang Trung ương.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh nhận định, khi đại hội trực tiếp bầu bí thư tỉnh ủy thì uy tín và tín nhiệm của địa phương cũng như cá nhân người được bầu sẽ được nâng lên rất nhiều.
Để có thể “nâng cấp” cách thức bầu cử rộng rãi như vậy lên cấp tỉnh, Bí thư Quảng Ninh khẳng định, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV cùng với công tác văn kiện, tỉnh thực hiện công tác nhân sự một cách chặt chẽ, kỹ lưỡng, đúng yêu cầu của Trung ương. Riêng quy định tiêu chuẩn chức danh đã cụ thể hóa thêm tiêu chuẩn cấp ủy viên có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, linh hoạt, sáng tạo; có sản phẩm kết quả cụ thể có thể định lượng được; có khả năng phát hiện và sử dụng người có đức, có năng lực.
Nói về việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội Đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh nội dung này như một điểm sáng trong công tác xây dựng Đảng của thành phố có Đảng bộ lớn nhất cả nước, với 460.000 đảng viên.
Vì đặc điểm quy mô lớn như vậy, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng của thành phố, nhất là công tác nhân sự được Hà Nội thực hiện cẩn trọng. Hướng tới mốc thời gian tháng 10, cho đến thời điểm này, 100% các chi bộ Đảng đã xong đại hội, cấp quận, huyện cũng đang lần lượt tiến hành.
“Điểm đặc biệt, 3 đại hội điểm của thành phố đều đã thành công. Ngoại trừ Đại hội đảng bộ Bộ tư lệnh Thủ đô không bầu trực tiếp bí thư vì đây là Đảng bộ đặc thù theo quy định, điều lệ Đảng, thì 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên đại hội là quận Ba Đình và huyện Gia Lâm đều bầu trực tiếp bí thư. Hai bí thư này khi được đưa ra bầu trực tiếp tại đại hội đều đạt tỷ lệ phiếu ủng hộ rất cao, gần như tuyệt đối” - Bí thư Vương Đình Huệ thông tin.
Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đánh giá, việc ứng cử, đề cử và bầu cử tại đại hội của các đơn vị này thực hiện đúng quy định, các đại biểu tham dự đều nhất trí với nhân sự do cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 chuẩn bị. Kết quả phiếu bầu như vậy là tập trung, đúng, đủ, đạt tỷ lệ cao. Sau các đại hội điểm này, thời gian tới, nhiều đơn vị cấp trên cơ sở, trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2020-2025 khác cũng sẽ triển khai việc bầu trực tiếp bí thư tại đại hội. Hà Nội khuyến khích các địa phương đăng ký bầu trực tiếp bí thư đại hội quận, huyện.
Thời điểm “chín” để bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy
Nêu quan điểm về việc bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy tại Đại hội, một Bí thư Trung ương Đảng thông tin, từ những nhiệm kỳ trước, việc bầu trực tiếp bí thư cấp ủy đã được làm tại cấp cơ sở, trên cơ sở. Năm 2010, một số địa phương đã được thí điểm bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy tại đại hội.
Đã có thực tiễn thì việc bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy nên được coi là hoạt động bình thường vì liên quan đến công tác cán bộ, các khâu chuẩn bị đều được làm rất kỹ. Trung ương cũng có chủ trương, những nơi có đủ điều kiện thì nên cho phép triển khai việc bầu trực tiếp.
Theo quan điểm này, việc chủ động đề xuất của Tỉnh ủy Quảng Ninh được đánh giá là phù hợp, không vướng mắc, trở ngại.
Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương cũng cho biết, cơ quan này đang tập hợp ý kiến các cơ quan có liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp nhận đề xuất của Quảng Ninh.
Với việc thí điểm bầu trực tiếp 10 bí thư tỉnh ủy trong khóa trước, Ban Tổ chức Trung ương cũng tiến hành tổng kết, phân tích, đánh giá tác động để có tham mưu cụ thể về chủ trương này.
Xâu chuỗi vấn đề, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) phân tích, bầu trực tiếp bí thư cấp ủy là chủ trương Trung ương Đảng đề ra từ rất sớm, từ kết luận của Nghị quyết Trung ương 9 khóa X năm 2009. Sau quá trình thí điểm, triển khai dần ở cấp cơ sở rồi tới cấp quận/huyện, theo ông Tuấn, Đại hội Đảng lần này là thời điểm khá “chín” để tổ chức bầu trực tiếp bí thư ở cấp tỉnh.
Áp dụng được việc bầu trực tiếp bí thư tỉnh ủy, theo Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, là bước tiến tốt về việc mở rộng dân chủ, thể hiện sự lựa chọn “ý Đảng, lòng dân” xích lại gần nhau, thực hiện triệt để nguyên tắc, nhân sự có được người tín nhiệm thì Đảng mới cử ra để tranh cử, bầu cử.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Minh Tuấn cũng lưu ý, công tác quy hoạch, chuẩn bị nhân sự phải đòi hỏi một quá trình, phải tìm được người thực sự nổi trội, quy trình làm nhân sự đảm bảo vô tư, khách quan, công tâm. Khi số phiếu tín nhiệm rất cao rồi, việc chuyển sang bầu trực tiếp tại đại hội chính là kết quả của sự chuẩn bị công phu đó.
Phương Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn