Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong một phiên trả lời chất vấn tại UB Thường vụ Quốc hội
Cụ thể, nhóm vấn đề được chọn dành cho Bộ trưởng Đào Ngọc Dung là về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ.
Báo cáo vấn đề này, Bộ trưởng cho biết hiện toàn quốc có gần 26 triệu trẻ em, trong đó 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 87% số này được trợ giúp.
Bộ trưởng nhận định, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.
Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2018 toàn quốc phát hiện 682 vụ xâm hại 735 em, trong đó xâm hại tình dục là 572 vụ và 562 em bị xâm hại.
Đáng chú ý, trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình (bố đẻ, bố dượng, anh, em họ...) là 21,3%, bởi thầy giáo, nhân viên nhà trường là 6,2%, bởi người quen, hàng xóm là 59,9%, người lạ là 12,6%.
Việc xử lý một số vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em chưa được giải quyết kịp thời, chưa thỏa đáng, còn kéo dài dẫn đến bức xúc trong xã hội, Bộ trưởng đánh giá.
Nhìn nhận hạn chế và nguyên nhân trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em, báo cáo nêu: môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn, thương tích đối với trẻ em, tỷ suất trẻ em mắc và tử vong do tai nạn, thương tích còn cao, đặc biệt là tử vong do đuối nước.
Nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội về công tác trẻ em còn chưa thực sự đầy đủ, công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân chưa sâu rộng.
Công tác chỉ đạo thực hiện ở một số địa phương còn chậm hoặc thực hiện chưa đầy đủ, chưa tương xứng với điều kiện, tiềm lực của địa phương.
Việc thực hiện chế độ báo cáo về tình hình thực hiện công tác trẻ em ở địa phương còn chậm, chất lượng chưa cao, chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em tại địa phương làm ảnh hưởng đến việc nắm thông tin để kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cũng như những giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực hiện quyền trẻ em.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội giải thích, luật quy định bố trí và vận động nguồn lực đản bảo thực hiện quyền trẻ em...nhưng nhiều tỉnh, thành phố chưa quan tâm, bố trí ngân sách cho bảo vệ trẻ em.
Ngoài ra, một số xã, phường, thị trấn chưa thật sự quan tâm bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em. Năng lực cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ở cơ sở còn hạn chế.
Nêu nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục rà soát hệ thống pháp luật để hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến trẻ em.
Đẩy mạnh công tác liên ngành về thực hiện quyền trẻ em thông qua hoạt động của UB quốc gia về trẻ em và hướng dẫn địa phương củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em trên cơ sở kiện toàn hệ thống đã có. Xây dựng, phát triển Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và mạng lưới kết nối.
Người đứng đầu ngành lao động - thương binh và xã hội cũng cho biết, sẽ tăng cường đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật, chính sách, chương trình về trẻ em, đặc biệt là Luật Trẻ em để kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp, đặc biệt về phòng ngừa, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em và phòng ngừa trẻ em tử vong do đuối nước.
P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn