Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh: Như Phúc)
Có lợi ích nhóm khi doanh nghiệp biến đất công thành đất tư?
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) nêu nhận định có lợi ích nhóm trong việc cổ phần hoá để biến đất công thành đất tư? Làm thế nào ngăn chặn, xử lý tình trạng này?
Bộ trưởng bày tỏ đồng tình với đại biểu là do quản lý không chặt chẽ. Trước cổ phần hoá, doanh nghiệp cho thuê, cho mượn đất không đúng quy định và việc này là trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp.
Sau cổ phần hoá, Bộ trưởng cho rằng trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cần tính toán hiệu quả của việc sử dụng đất, lấy lại những quỹ đất doanh nghiệp không còn nhu cầu sử dụng để dùng cho mục đích khác. Còn nếu tiếp tục hoạt động, nhà nước cần tính toán cho doanh nghiệp tiếp tục có nguồn lực hoạt động.
Việc doanh nghiệp ngay lập tức chuyển mục đích sử dụng đất như là kinh doanh thương mại hay bán bất động sản thì là làm sai quy định. Thậm chí có việc bán đất với giá thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường vậy nên khi vừa bán xong thì giá đất đó lên rất cao, gây thất thoát tài sản nhà nước. Xử lý việc này là thực hiện đúng quy định công khai giá đất. Nhà nước sẽ tính toán để làm sao doanh nghiệp không thể lợi dụng việc này, bán đất công giá “bèo” vì lợi ích cá nhân.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh tranh luận, cơ bản nhất là làm sao thu hồi lại được những thất thoát này. Ông Sinh dẫn chứng 1 công ty nhà nước tại Sài Gòn bán lô đất trụ sở, thu lợi hơn 40 tỷ đồng khi cổ phần hoá. Đại biểu muốn biết ai móc ngoặc, ai lợi ích nhóm ở đây?
Mới xác định người nước ngoài mua chung cư tại đặc khu
Đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) nói, đất đai ở 3 đặc khu vừa qua được mua bán rất mạnh, trong đó có nhiều yếu tố nước ngoài mua bán. Đề nghị Bộ trưởng cung cấp thông tin để đại biểu yên tâm khi bấm nút thông qua luật đặc khu.
Bộ trưởng cho biết, cơ quan quản lý nhà nước chưa phát hiện ra người nước ngoài mua đất mà mới xác định người nước ngoài mua các chung cư. Vậy nếu đại biểu có thông tin xin cung cấp để có thể xác định xem sơ hở ở đâu, có thể lách luật ở chỗ nào.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị không thực hiện giao đất giá rẻ, miễn tiền sử dụng đất với các nhà đầu tư
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề cập chuyện nhiều tỷ phú, đại gia ở Việt Nam hình thành từ việc làm những dự án bất động sản, khu đô thị trong khi người dân thì ngày càng khiếu kiện. Vậy có nên tiếp tục chính sách giao đất với giá thấp và miễn tiền sử dụng đất với dự án, nhà đầu tư không?
Việc “đóng băng” giao dịch nhà đất như Bộ trưởng đề cập là không đúng luật. Vậy có giải pháp nào xử lý việc này?
Nói về cách thức để giữ ổn định, để đất không sốt lên, tăng giá, theo Bộ trưởng, việc này phụ thuộc vào công tác quản lý của nhà nước. “Ví dụ, tính ra một người chỉ được mua bao nhiêu đất, mua nhiều hơn thì nhà nước tăng giá đất lên. Hoặc có đất nhưng không đưa vào khai thác thì cũng tính thuế tăng lên để những người đó không thể găm giữ đất, để lãng phí đất đai như vậy” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà đáp.
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) tranh luận. Ông nhắc lại nguyên lý bãi biển là của toàn dân, người dân có quyền tự do xuống tắm. Nhưng thực tế bờ biển thậm chí đã bị chắn rào bởi các doanh nghiệp kinh doanh phía trên. Đặc khu như Phú Quốc đã diễn ra tình trạng như vậy. Giải quyết việc này thế nào?
Nói về thông tin bờ biển đã được phân chia hết rồi, Bộ trưởng khẳng định như thế là chưa đúng quy định. Ông dẫn lại ví dụ về Đà Nẵng đã làm được việc quản lý bờ biển, tránh để chia cắt, manh mún như vậy, là vì áp dụng đúng quy định của luật. Giải quyết việc này cần có sự thoả thuận, đối thoại với cả những nhà đầu tư đã được cấp dự án trước khi luật Môi trường biển có hiệu lực.
Hồ chỉ thị sinh học tại Formosa, nước thải đạt loại A
Đầu buổi sáng 5/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải đáp nốt 4 ý kiến tranh luận của các đại biểu đặt ra cuối giờ làm việc chiều qua.
Đại biểu Phùng Văn Hùng tán thành với việc trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà về việc xử lý đất xen kẹt tại đô thị nhưng đại biểu cũng nhận xét, cách thức giải quyết như vậy vẫn chưa đầy đủ. Ông nói về cách thức gom đất xen kẹt để thí điểm làm các dự án công cộng mà Bộ trưởng nêu ra, đại biểu cho rằng nhiều nơi đất quá nhỏ không thể làm công trình gì mà chỉ có thể làm nhà ở dân sinh thì cần trả lời cho dân, với trường hợp nhà nước không có nhu cầu thì có giải quyết cho người dân không?
Quang cảnh buổi trả lời chất vấn (Ảnh: Như Phúc)
Đại biểu Trần Văn Minh nói, ông đã xem các quyết định quy định về việc xử lý rác thải rắn của Chính phủ nhưng với thực trạng xử lý nước thải chỉ đạt dưới 10%, còn với rác thải rắn thì tới 70% chưa được xử lý hợp lý, chủ yếu là chôn lấp, mất vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Xử lý vấn đề này thế nào cho triệt để?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề cập mỗi năm cả nước có 12 triệu tấn rác thải sinh hoạt phát sinh, mỗi năm có hơn 1 triệu tấn tăng thêm. Riêng bãi rác Đa Phước tại TPHCM mỗi ngày ngốn 100.000 USD. Các nhà đầu tư ban đầu hứa hẹn là công nghệ sẽ phát điện, sẽ để làm phân bón… nhưng chốt lại vẫn là chôn lấp nhếch nhác, kém hiệu quả. Đại biểu băn khoăn, việc quản lý nguồn vốn ODA cho dự án này như thế nào?
Đại biểu Hoàng Quốc Thưởng đề cập việc xử lý nước thải sau sự cố môi trường của Formosa đã mang lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, bài học về vụ Formosa rất đắt giá, không được quên. Hiện giờ doanh nghiệp đã vận hành đến lò cao thứ hai. Vậy có đảm bảo việc vận hành, hoạt động của Formosa sẽ an toàn không?
Trả lời những câu hỏi “tồn” này, đầu buổi sáng 5/6, về việc giải quyết đất xen kẹt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói, với khu vực phù hợp với thương mại thì UBND các tỉnh có thể đấu giá tạo nguồn lực để phát triển công trình phúc lợi dịch vụ, đất xen kẹt không đủ lớn nếu liền kề hộ dân nào thì tạo điều kiện cho chuyển đổi sang đất ở và chịu trách nhiệm tài chính. Bộ trưởng đồng tình với đại biểu là tạo điều kiện cho cá nhân chuyển đổi mục đích theo quy hoạch về đất đai.
Với vấn đề quản lý chất thải rắn đại biểu Trần Văn Minh đề cập, nói về vấn đề trách nhiệm, Bộ trưởng xác định thuộc về ngành tài nguyên, môi trường nhưng theo ông, Bộ Xây dựng cũng chịu trách nhiệm việc quản lý hạ tầng, bộ KH-CN chịu trách nhiệm về công nghệ và một phần trách nhiệm phân cấp cho địa phương. Cơ chế phối hợp thời gian qua chưa tốt, việc đánh giá tác động giao cho địa phương nên đang có khoảng trống chưa hướng dẫn được công nghệ thích hợp cho việc xử lý rác.
Với câu hỏi của đại biểu Nhưỡng, theo Bộ trưởng, cần huy động nguồn lực tham gia của toàn xã hội với mục tiêu là không chôn lấp chất thải rắn nữa, cần phân loại để xử lý, không quay lại đánh giá trước đây.
Với câu hỏi về Formosa, Bộ trưởng khẳng định đã cho doanh nghiệp hoạt động thì phải đảm bảo. Hồ nước chỉ thị sinh học tại đây giờ thậm chí còn sử dụng được, nước đã đạt tiêu chuẩn loại A chứ không chỉ là để thải trở lại môi trường. Khâu giám sát thực hiện ở đây rất chặt chẽ.
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu, quy hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh do HĐND quyết định nhưng sử dụng đất lúa trên 10ha phải trình xin ý kiến Thủ tướng, dẫn tới việc thủ tục rườm rà, phải chờ đợi, xin cho. Cách nào khắc phục?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tiến, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định cả nước có kế hoạch sử dụng đất đai cho đến cấp xã. Và nếu làm được việc đó thì chuyển mục đích sử dụng đất lúa trên hay dưới 10ha sẽ đưa ra chỉ tiêu được. Đó là trách nhiệm của địa phương. Nếu địa phương làm tốt, làm đúng thì câu chuyện hơn 10 ha hay không Thủ tướng hoàn toàn có thể uỷ quyền cho địa phương. Ở TPHCM đã thực hiện quy chế uỷ quyền này. Tuy nhiên bất cập vì quy hoạch sử dụng đất chưa triển khai trên thực địa và việc quản lý quy hoạch không sát thực tế. Thực tế, quy hoạch sử dụng đất được điều chỉnh rất nhiều lần. Vậy cũng cần trao đổi với đại biểu xem có hiến kế gì không.
(Ảnh: Như Phúc)
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết có nhiều doanh nghiệp tiếp cận nói có thể xử lý rác mà không cần phân loại, không tốn ngân sách mà một đầu có thể ra điện, một đầu có thể ra phân bón. Bộ trưởng có thể hỗ trợ doanh nghiệp không? Đừng để 3-4 Bộ cùng cản trở hoạt động của những doanh nghiệp như vậy.
Việc sạt lở bờ sông bờ biển của Việt Nam, đại biểu Nghĩa đề nghị Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rà soát lại trên toàn quốc, không để cho doanh nghiệp chiếm giữ riêng bờ sông bờ biển.
Bộ trưởng cho biết ông cũng biết thông tin về việc xử lý rác thải theo mô hình đó tại Hà Nam, rác chỉ cần phân loại cơ bản, được xử lý theo quy trình điện khí hoá, đã thành công trên quy mô nhỏ. Tuy nhiên, khó khăn là rác thải ở Việt Nam không chỉ có hữu cơ mà lẫn nhiều loại vô cơ và quy mô xử lý lớn đòi hỏi chi phí phải hợp lý mới triển khai rộng rãi được. Dù sao, những thông tin này cũng mang lại nhiều kỳ vọng.
Về việc quản lý hành lang bờ biển, bờ sông, theo Bộ trưởng, việc này đã được thể chế bằng luật, luật tài nguyên biển đã đề ra quy định về hành lang bảo vệ bờ biển. Tại sao Đà Nẵng làm được việc đó – Bộ trưởng Hà cho rằng, vì địa phương đã tuân thủ, áp dụng quy định của luật vào quản lý. Tuy nhiên, cũng có vấn đề là luật không hoàn toàn hồi tố với tất cả các dự án, công trình nhưng khi có luật thì buộc phải tuân thủ và kỷ luật, kỷ cương cần hết sức nghiêm túc.
Theo thống kê, trong buổi chiều 4/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời 18 câu hỏi của các đại biểu và đối đáp với 8 đại biểu tranh luận lại. Trên danh sách đăng ký, vẫn còn 47 đại biểu chờ được chất vấn tư lệnh Bộ TN-MT.
Tác giả: P.Thảo
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn