Đại gia đình 50 người bị giết sạch!
Những ngày cuối cùng của năm 2018, PV đến thị trấn Ba Chúc (trước kia là xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang), được một cán bộ phụ trách văn hóa dẫn đi thăm những gia đình là nạn nhân của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và những người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu với bọn diệt chủng Pôn Pốt. Có nghe họ kể mới phần nào thấy cuộc thảm sát đẫm máu đó dã man thế nào và cảm nhận được nỗi đau xé lòng của những người vợ, người con ở lại.
Nhân chứng kể lại vụ Pôn Pốt thảm sát hơn 3.000 người dân ở Ba Chúc
Trở lại lịch sử của cuộc chiến này, Pôn Pốt bắt đầu đánh rải rác vào một số địa phương vùng Tây Nam từ những năm 1972, tuy nhiên đến những năm 1977, 1978 chúng tập trung nguồn lực đánh dữ dội vào địa bàn tỉnh An Giang và Kiên Giang. Riêng tại An Giang, ngày 18/4/1978, Pôn Pốt dùng hai sư đoàn tấn công vào xã Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc) thực hiện hàng loạt vụ thảm sát dân thường, tàn phá nhà cửa, gieo cảnh đau thương khắp nơi. Trong 12 ngày chiếm đóng (18/4 đến 30/4/1978), Pôn Pốt đã giết 3.157 người dân vô tội.
Nhiều gia đình chạy vào chùa Phi Lai, Tam Bửu hoặc lên núi Dài ẩn núp nhưng bị Pôn Pốt phát hiện giết hết. Như gia đình ông Ba Lê, cả nhà khoảng 50 người (gồm vợ, con, cháu…) chạy vào hang trên núi trốn nhưng bị Pôn Pốt giết sạch. Sau này hang đó được người dân Ba Chúc đặt tên là hang Ba Lê.
Cũng có nhiều gia đình còn lại một hoặc vài người, như gia đình ông Huỳnh Văn Quốc (SN 1967), cả gia đình ông gồm 10 người chết hết 9 người, chỉ còn ông may mắn thoát chết nhờ mê đánh cờ tướng.
Ông Quốc kể: “Khi hay tin Pôn Pốt tràn vào Ba Chúc, cha mẹ tôi dẫn 8 anh em chúng tôi lên núi Dài trốn. Sau mấy ngày thấy có bộ đội về đánh, tình hình lúc này tạm ổn, hôm đó, sau khi ăn cơm chiều xong, tôi bảo anh hai ra khỏi hang đánh cờ tướng nhưng anh hai không chịu đi. Do vậy, tôi đi một mình và khoảng 5 phút sau, Pôn Pốt dội bom trúng hang gia đình tôi ẩn núp, các anh em và mẹ tôi chết tại chỗ. Còn cha tôi được người dân đưa về Tri Tôn điều trị nhưng 4 tháng sau cha tôi cũng qua đời”.
Nhiều năm qua, ông Huỳnh Văn Quốc nhang khói cho cha mẹ và 7 anh chị em của mình nhưng bàn thờ chẳng có tấm di ảnh nào của họ.
Nỗi đau mất hết người thân đối với ông Quốc không sao tả được. Đến giờ này, hơn 40 năm trôi qua, ông không dám nhớ lại. Ông tập trung vào cuộc sống gia đình, lo trồng trọt chăn nuôi, lo hai con gái ăn học. Mỗi đêm, ông thắp nhang tưởng nhớ hương hồn cha mẹ và các anh chị em ở bàn thờ nhà chính nhưng chẳng có tấm hình nào.
Đứa con 10 tháng tuổi khát sữa bị giết trước mặt mẹ
Chúng tôi đến thăm nhân chứng thứ hai là cụ Hà Thị Nga (82 tuổi), người có 5 đứa con và chồng bị Pôn Pốt sát hại. Đau lòng nhất là đứa con gái út mới 10 tháng tuổi của bà cũng bị Pôn Pốt giết hại dã man khi cháu bé khóc đòi bú sữa.
Bà Hà Thị Tám (em thứ 8 của cụ Nga, đang nuôi dưỡng cụ Nga), kể: “Khi chị tôi còn tỉnh táo hay kể rằng, lúc gia đình chị chạy lên núi trốn thì bị bọn Pôn Pốt phát hiện bắt giữ, đem về cánh đồng Lạc Quới xử bắn tập thể. Chị tôi bị bắn vào cổ nhưng không chết, đến tối chị tôi tỉnh lại. Đứa con chị bế trên tay 10 tháng tuổi bị bọn chúng ném xuống đất cũng tỉnh lại bò đến bên mẹ đòi bú sữa. Mấy thằng lính thấy vậy túm đứa nhỏ giết dã man và lấy cục đá táng vào đầu chị tôi nên chị tiếp tục bị ngất. Chúng tưởng chị chết nên bỏ đi và chị may mắn được người dân cứu sống”.
Nhân chứng sống là cụ bà Hà Thị Nga nay già yếu, cuốc sống và mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người em Hà Thị Tám.
Hiện cụ Nga đã 82 tuổi, cụ không còn đi đứng được nữa, đầu óc không tỏ tường. Mọi sinh hoạt cá nhân nhờ cả vào người em gái. Chính quyền địa phương lo đầy đủ chế độ cho cụ Nga theo diện người già, bệnh tật.
Ông Nguyễn Văn My – Trung đội trưởng Du kích xã Ba Chúc, người trực tiếp cầm súng chiến đấu với bọn Pôn Pốt - chia sẻ: “Với phương châm "giết sạch, đốt sạch, phá sạch", trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ 12 ngày chiếm đóng, chúng đã thảm sát hàng ngàn người dân vô tội ở Ba Chúc. Đi đến đâu chúng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa, các công trình công cộng, tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ”.
Nguyên nhân bà con chết nhiều, theo ông My, là do người dân nghĩ chỉ có lính giết lính, lính không giết dân thường; Hoặc người dân nghĩ khi trốn vào chùa, trước mặt Phật, bọn giặc không giết. Nhưng không ngờ chúng giết người quá dã man!
Tại buổi Hội đàm cấp cao tại An giang vừa diễn ra mới đây giữa hai Đoàn đại biểu cấp cao Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia, ông Nhem Valy, Phó Chủ tịch thường trực - Tổng thư ký Hội đồng quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển tổ quốc Campuchia đã thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Hội đồng Quốc gia Mặt trận Đoàn kết Phát triển Tổ quốc Campuchia nhắc lại quá trình đấu tranh của dân tộc Campuchia chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot và biết ơn sự giúp đỡ của quân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Campuchia.
Ông Nhem Valy khẳng định, thời gian tới, Mặt trận hai nước sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp các tầng lớp nhân dân hai nước nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của mối quan hệ thiêng liêng giữa hai dân tộc; nhất là lễ kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng tại Campuchia (7/1/1979-7/1/2019), để thấy rõ trách nhiệm gìn giữ và vun đắp hơn nữa cho quan hệ hai nước, góp phần cho sự ổn định và phát triển của 2 nước Việt Nam-Campuchia.
Tác giả: Nguyễn Hành
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn