An Giang hồi sinh sau nhiều mất mát trong cuộc chiến tiêu diệt Pôn Pốt

Thứ sáu - 04/01/2019 22:43
Đêm 30/4, rạng sáng 1/5/1977, Pôn Pốt tiến công vào 14 xã biên giới An Giang, bắn chết trên 200 người, làm bị thương trên 600 người. Từ 18/4 đến 30/4/1978, chúng huy động lực lượng tấn công vào nhiều xã biên giới với phương châm “giết sạch, đốt sạch” và đã có hơn 3.000 người dân ở xã Ba Chúc (huyện Tri Tôn) bị sát hại dã man. Cuộc chiến đi qua, người dân Ba Chúc vươn lên từ đổ nát, quyết tâm xây dựng lại quê hương.

Cuộc chiến tự vệ chính đáng

Buổi Hội thảo khoa học cấp quốc gia "40 năm ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2019)" vừa được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tỉnh ủy An Giang tổ chức vào ngày 28/12/2018, cho thấy cuộc chiến tiêu diệt tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt của quân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh tự vệ chính đáng.

Trở lại lịch sử, ở Campuchia, ngay sau thắng lợi, ngày 7/4/1975, tập đoàn Pôn Pốt – Iêng Xary đã lợi dụng thành quả cách mạng phản bội lại nhân dân Campuchia, thành lập nên “Nhà nước Campuchia Dân chủ”, thi hành chế độ diệt chủng, tàn sát chính nhân dân mình, giết hại hàng triệu người dân, phá dỡ hàng nghìn trường học, bệnh viện, chùa chiền…

An Giang hồi sinh sau nhiều mất mát trong cuộc chiến tiêu diệt Pôn Pốt

Đại tướng Phạm Văn Trà – nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chia sẻ: “Quân Pôn Pốt sau khi đánh vào Ba Chúc đã giết hại hơn 3.000 người dân nơi đây".

Ở Việt Nam ngày 3/5/1975, Pôn Pốt đưa quân đánh chiếm Thổ Chu và Phú Quốc. Trong cuộc chiến xâm lược này, Pôn Pốt đã sát hại khoảng 500 người dân thường ở Thổ Chu, huyện Phú Quốc, Kiên Giang.

Trước tình hình đó, Sư đoàn 330 được thành lập và Tướng Phạm Văn Trà được bổ nhiệm là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 330. Ngay sau ngày thành lập, Sư đoàn 330 sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ nhân dân tuyến biên giới các hướng An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp.

Cuối 1976, các cuộc tiến công của Pôn Pốt vào lãnh thổ nước ta ngày càng căng thẳng, tăng tính qui mô. Chỉ tính riêng trong đêm 30/4, rạng sáng 1/5/1977, quân Pôn Pốt đã tiến công vào 14 xã biên giới của tỉnh An Giang, bắn chết trên 200 người, làm bị thương trên 600 người; đốt cháy trên 600 ngôi nhà, cướp phá trên 33.000 giạ lúa, hàng trăm trâu, bò, gia súc, hàng trăm máy móc, tàu ghe của nhân dân.

An Giang hồi sinh sau nhiều mất mát trong cuộc chiến tiêu diệt Pôn Pốt - Ảnh minh hoạ 2
Tội ác của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt đã gây ra cho nhân dân An Giang

Từ tháng 3 đến tháng 4 năm 1978, chúng còn huy động lực lượng tấn công vào nhiều hướng trên tuyến biên giới, chiếm một số chốt, đốt hết nhà dân dọc các lộ trên tuyến biên giới. Điển hình như vụ tàn sát dã man hơn 3.000 người dân, đã số là phụ nữ và trẻ em ở chùa Phi Lai, Tam Bửu, núi Dài… thuộc xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Đại tướng Phạm Văn Trà – nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chia sẻ: “Quân Pôn Pốt sau khi đánh vào Ba Chúc đã giết hại hơn 3.000 người dân nơi đây, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, mấy ngày sau quân đội chủ lực của ta mới đánh bật được quân Pôn Pốt ra khỏi Ba Chúc, dồn chúng xuống cánh đồng dưới chân núi Phú Cường và tiêu diệt toàn bộ quân địch”.

An Giang hồi sinh sau nhiều mất mát trong cuộc chiến tiêu diệt Pôn Pốt - Ảnh minh hoạ 3
Bộ đội chủ lực An Giang bắt tù binh Pôn Pốt, năm 1977

Sau khi đánh bật quân Pôn Pốt ra khỏi đất nước ta, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ Tổ quốc, theo yêu cầu của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và nhân dân Campuchia, Việt Nam đưa quân tình nguyện sang giúp lực lượng vũ trang Campuchia giải phóng dân tộc khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary vào 1/7/1979.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu còn phân tích sâu rộng đến các bài học kinh nghiệm trong chỉ huy tác chiến; nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, nhất là những địa bàn trọng yếu, biên giới, hải đảo… Và không thể quên nhiệm vụ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho người dân; giáo dục thế hệ trẻ có tinh thần, truyền thống yêu nước, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.

Khép lại đau thương xây dựng cuộc sống mới

Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, đất và người Ba Chúc (nay là thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) đã gánh chịu nhiều nỗi đau. Cuộc chiến đi qua, người dân về lại đất này, mang sức người kiến thiết quê hương.

Ông Huỳnh Văn Quốc – khóm An Bình, người may mắn sống sót khi cả nhà có 9 người bị Pôn Pốt giết chết, cho biết: “Cha mẹ và 7 anh chị em tôi đều chết hết. Nhiều đêm không ngủ được nhưng vì cuộc sống phía trước tôi gác lại mọi chuyện, tập trung sản xuất nuôi hai đứa con ăn học ở TP Cần Thơ. Tương lai chúng nó là niềm vui của vợ chồng tôi và là niềm vui của cha mẹ tôi ở suối vàng”.

An Giang hồi sinh sau nhiều mất mát trong cuộc chiến tiêu diệt Pôn Pốt - Ảnh minh hoạ 4
Ông Huỳnh Văn Quốc cũng như nhiều người dân Ba Chúc gác lại đau thương, tập trung lao động sản xuất lo cho cuộc sống mới

Ông Bí thư kiêm trưởng ấp An Bình Lê Văn Hùng chia sẻ: “Trong ấp có trên 20 hộ dân có người thân bị Pôn Pốt sát hại vào năm 1978. Nhưng hiện nay bà con đã gác lại nỗi đau, tập trung sản xuất, vì thế số hộ nghèo, cận nghèo qua từng năm giảm đáng kể".

Ông Nguyễn Văn Sấm, Bí Thư Đảng ủy thi trấn Ba Chúc cho biết, sau chiến tranh, thế hệ cha anh bắt tay xây dựng lại quê hương từ đống đổ nát. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, sự nỗ lực của người dân, Ba Chúc đã khởi sắc hơn về nhiều mặt trong những năm qua. Trong lĩnh vực giáo dục, từ một vùng quê miền núi có trình độ dân trí thấp, đến nay, thị trấn đã có trường mầm non đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; Trường trung học phổ thông Ba Chúc với tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100% liên tục nhiều năm qua; khá nhiều học sinh đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh. Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo của thị trấn chỉ còn 11% (469 hộ); thu nhập bình quân đầu người đạt gần 42 triệu/người/năm.

An Giang hồi sinh sau nhiều mất mát trong cuộc chiến tiêu diệt Pôn Pốt - Ảnh minh hoạ 5

Theo lãnh đạo Ba Chúc, thời gian tới địa phương tập trung nguồn lực để phát triển Nhà mồ Ba Chúc không chỉ là nơi lưu giữ 1.157 hài cốt mà còn là điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử vùng đất này

Sau những nỗ lực khôi phục sản xuất, đến tháng 1/2003, Ba Chúc trở thành 1 trong 2 thị trấn của huyện Tri Tôn, kinh tế - xã hội tăng trưởng vượt bậc. Hệ thống điện, đường, trường, trạm của thị trấn về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương. Hiện nay, Ba Chúc đã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Theo chính quyền địa phương, ngoài việc phát triển mô hình du dịch nông nghiệp, Ba Chúc phát triển nhà mồ Ba Chúc không chỉ là nơi lưu giữ lại chứng tích tội ác chiến tranh, nơi thờ cúng, tưởng niệm 1.159 nạn nhân xấu số mà còn là điểm thu hút khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu về lịch sử vùng đất này, nhất là cuộc chiến chống Pôn Pốt.

An Giang hồi sinh sau nhiều mất mát trong cuộc chiến tiêu diệt Pôn Pốt - Ảnh minh hoạ 6
Từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, Ba Chúc ngày càng phát triển

Ông Phan Văn Sương – Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, cho biết: “Sau chiến tranh biên giới Tây Nam, các xã Ba Chúc, Lương Phi Lạc Quới, Vĩnh Gia An Lập (nay xã Lê Trì) không còn cái nhà nào... Bởi thế, chúng tôi bắt đầu xây dựng lại từ đầu. Kinh tế, đời sống nhân dân thật sự khởi sắc khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về chỉ đạo đào kênh, tháo phèn, dẫn nước ngọt về vùng đất này. Từ đó, nông nghiệp phát triển, dân cư khắp nơi đổ về sinh sống.

Hiện nay, Tri Tôn trở thành huyện có diện tích nông nghiệp lớn nhất tỉnh và là địa phương được tỉnh chọn thực hiện nhiều mô hình nông nghiệp qui mô, ứng dụng công nghệ cao, thu hút lao động, tăng thêm thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, những năm gần đây, kinh tế đời sống nhân dân Tri Tôn chuyển biến rõ nét, bà con khép lại quá khứ đau thương, vươn lên xây dựng cuộc sống mới”.

Tác giả: Nguyễn Hành

Nguồn tin: http://dantri.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây