1. Định nghĩa về tham nhũng
Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI), tham nhũng là lợi dụng quyền hành để gây phiền hà, khó khăn và lấy của dân. Tham ô là hành vi lợi dụng quyền hành để lấy cắp của công. Để tiện cho việc diễn đạt, từ đây về sau, chúng tôi dùng từ “tham nhũng” để chỉ chung hai loại hành vi có chung mục đích, tính chất gần như nhau.
Theo Samuel Huntington, trong một cuốn sách xuất bản ở Mỹ năm 1968, thì “tham nhũng là hành vi lệch chuẩn của nhân viên công quyền để mưu cầu tư lợi”. Giới luật học cho rằng “Tham nhũng là sự phá vỡ những nguyên tắc công chính, đức hành và luân lý”. Tham nhũng xuất hiện từ rất sớm, ngay từ khi có sự phân chia quyền lực và hình thành nhà nước. Và khái niệm “nhà nước” được hiểu là tổ chức sử dụng nguồn lực lớn nhất của quốc gia để thực hiện các chức năng quản lý và phát triển xã hội, hướng tới lợi ích công. Tuy nhiên, không phải lúc nào và ở đâu, nhà nước cũng thể hiện được phẩm chất, tư cách trên. Nói đến nhà nước là nói đến quyền lực - một quyền lực to lớn, thậm chí vô biên và vô song, theo đó, sự lạm quyền, lộng quyền, quyền lực có nguy cơ bị “tha hóa” là điều dễ xảy ra; tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh của quyền lực”.
Phiên họp thứ 13, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: HH
2. Người xưa, chuyện xưa về phòng, chống tham nhũng
Cách đây hơn một ngàn năm, nhà nước phong kiến triều Lý (1009-1225) đã đề ra những quy định khắt khe và rất cụ thể để ngăn ngừa và trừng trị hành vi tham ô, ăn trộm của công của quan lại. Đối với việc thu thuế, các quan nha, thư lại ở lĩnh vực này cùng với mười phần phải đóng vào kho triều đình, họ được thu riêng một phần gọi là “hoành đầu”. Kẻ nào thu quá số ấy thì bị khép vào tội ăn trộm. Đối với Khố ty thu thuế lụa, nếu “ăn lụa” của dân thì cứ mỗi thước lụa bị phạt 100 trượng; “ăn” một tấm lụa đến trên 10 tấm thì theo số tấm, thêm phối dịch 10 năm.
Triều Lý cũng là nhà nước quân chủ đầu tiên ban hành bộ luật thành văn với tên gọi Hình Thư (năm 1042, dưới thời vua Lý Thái Tông). Bộ luật này hiện không lưu giữ được, tuy nhiên, qua những chiếu chỉ còn lưu lại cho thấy, cùng với các tội về “thập ác”, thì tội tham nhũng được luật pháp đặc biệt quan tâm và có những chế tài nghiêm khắc.
Năm 1042, vua Lý Thái Tông ban chiếu: “Những người thu quá số thuế quy định sẽ bị ghép vào tội ăn trộm. Người dân tố cáo việc đó được miễn dịch 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác nạn nhũng nhiễu, tham ô thì nhận thưởng bằng hiện vật thu được”. Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì bị phạt 50 quan tiền; từ 10 quan đến 19 quan, bị phạt từ 60 đến 100 quan; của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho quỹ triều đình.
Đến triều Lê sơ, Lê Thánh Tông - một vị vua anh minh, tài giỏi, đã xây dựng và thực thi bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật), bao quát nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau mà ngày nay ta gọi là Luật hình sự, Luật dân sự, Luật tố tụng, Luật hôn nhân và gia đình, Luật hành chính...
Bộ luật Hồng Đức có 722 điều, trong đó có trên 40 điều liên quan việc phòng, chống tham nhũng. Ở Điều 1, chương “Vi chế”, ghi rằng: các chức quan lại có số lượng nhất định, nếu tự ý bổ dụng hay tuyển chọn quá hạn định thì cứ thừa 1 người, phạt người đứng đầu cho 60 trượng, “biếm” 2 tư (hạ chức 2 bậc), hoặc bãi chức, thừa 2 người thì xử tội “đồ” (hình phạt lao dịch khổ sai ở nhiều mức độ).
Điều 42, chương “Vi chế” ghi rõ: “Làm trái pháp luật, ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan, xử tội “biếm” hoặc bãi chức; từ 10 đến 19 quan, xử tội “đồ”-“lưu” (“lưu” là hình phạt lao dịch khổ sai, bị đầy đi các châu xa…); từ 20 quan trở lên xử “lưu”; từ 50 quan trở lên xử “tử” (là hình phạt nặng nhất, phạt bằng cách chết thắt cổ, chém cổ, xử trảm bêu đầu…)”. “Các quan địa phương sách nhiễu lương dân, mua bán rẻ, đòi biếu xén thì hạ chức hoặc bãi chức… và phải bồi thường gấp đôi trả dân”.
Điều 138 của bộ luật này quy định: Ăn lễ từ 1 đến 9 quan phải phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ”. Để ngăn chặn việc tư thù, ân oán, lợi dụng chức quyền, thu vén cá nhân, các điều 101, 128, 129, 130 của chương “Vi chế” quy định rõ: “Các quan liêm phóng, xét việc phải đúng sự thật, nếu sơ suất mà sai thì xử “biếm”; nếu vì tư thù ân oán, hoặc ăn hối lộ mà đổi trắng thay đen thì không kể việc lớn hay nhỏ, ăn nhiều hay ăn ít đều xử tội “lưu” (lao dịch khổ sai), tội “tử” (chết) không thể nương tay.
Các quan đi sứ nước ngoài mà chỉ lo việc mua bán thì xử tội “biếm” hay “đồ”, mang vật cấm xử tội “lưu” (lao dịch khổ sai)”. Bộ luật nghiêm khắc này quy định: “Những người quyền quý thế gia và các hoạn quan nội thần không được cầu cạnh nhờ cậy việc quân với các quan tướng hiệu, nếu trái thì quan nhất phẩm, nhị phẩm bị phạt hay biếm, quan tam phẩm, tứ phẩm thì bị cách chức hay bị đồ; quan ngũ phẩm, lục phẩm thì bị đồ hoặc lưu, quan thất phẩm trở xuống thì bị lưu hoặc tử hình. Quan tướng hiệu nhận lời thì bị tội đồ hoặc lưu, nếu không thiệt hại đến việc quân thì được giảm…”
Dưới triều Lê, việc chống tham nhũng được coi trọng, mặt khác, việc chiêu mộ, sử dụng bậc hiền tài, trong sạch được đề cao. Khi quan lại đã tham ô, thì việc định tội không phân biệt giàu nghèo, chức to hay chức nhỏ. Nhờ đó, người tốt có chỗ dựa, được tin dùng; bọn tham quan, kẻ xấu xa khó tìm đất sống; nạn tham nhũng bị đẩy lùi, muôn việc đều hanh thông, tươi tốt.
Luật này còn có một số quy định cần thiết và khá cụ thể như quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu ruộng vườn, đất đai, nhà cửa tại nơi cai quản; không được đưa người cùng quê làm giúp việc; không cho những người có quan hệ thầy trò, bạn bè làm việc cùng một nơi.
Đến triều Nguyễn, bên cạnh những hạn chế nhất định do hoàn cảnh lịch sử, nhà Nguyễn cũng đạt được những thành tựu khá quan trọng về xây dựng bộ máy và tăng cường kỷ cương phép nước. Nổi bật là việc xây dựng và thực thi bộ luật Gia Long (ban hành năm 1815). Luật Gia Long có 17 quyển quy định riêng về Luật hình đối với tội nhận hối lộ (đút lót) và gần 20 điều khoản quy định cụ thể về vấn đề này.
Trong số 400 điều của bộ luật này, có 79 điều quy định về các tội liên quan đến tham nhũng, và có những điều rất hà khắc. Điều 31 quy định: quan lại nhận hối lộ phải chịu hình phạt thấp nhất 70 trượng, cao nhất là treo cổ. Điều 111 quy định: “Quan lại dùng chức vụ vô cớ bắt trói người và tra khảo họ nơi tư gia (không kể có thương tích hay không thương tích) thì tăng hơn người thường hai bậc tội. Nếu nạn nhân chết, người ấy bị xử treo cổ”.
Điều 392 quy định: “Người nào dùng các thủ đoạn biển thủ, lấy trộm tiền lương, vật tư ở kho, cũng như mạo phá vật liệu đem về nhà. Nếu tang vật lên đến 40 lượng thì bị chém”. Người phụ trách việc xây dựng, không được lợi dụng quyền để mượn vật tư, tiền công dù rất nhỏ, nếu bị phát giác sẽ bị quy tội nặng. Các quan cậy thế hoặc dùng sức ép để buộc người khác cho mình mượn hàng hoá, vật tư, tiền công thì tuỳ theo giá trị hiện vật để xử phạt, nhẹ thì mỗi thứ hàng hoá phạt 100 trượng, bị lưu 3.000 dặm, thu hồi hết tang vật, nếu nặng thì tử hình.
Trong số các vua triều Nguyễn, vua Minh Mạng (1820 - 1840) nổi tiếng nghiêm khắc và kiên quyết trừng trị nạm tham nhũng, bất kể là ai, giữ chức vụ gì, có quan hệ thế nào với nhà vua. Sách Đại Nam thực lục chép lại câu chuyện, năm 1823, viên lại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng, bị phát giác. Theo luật quy định thì tội này sẽ bị chém đầu, nhưng xét thấy trước đây Diệm có một số công trạng nên Bộ Hình giảm xuống, bắt đi đày viễn xứ. Tuy nhiên, Minh Mạng không chấp nhận đề nghị của Bộ Hình, Vua ra lệnh chém đầu Diệm trước chợ Đông Ba, cho mọi người thấy mà khiếp hãi để sửa mình.
Một câu chuyện khác, cuối năm 1831, Tư vụ Nội vụ phủ Nguyễn Đức Tuyên ăn bớt nhựa thơm, rồi trộn mật thường vào, hòng che đậy hành vi gian dối. Sự việc bị phát hiện, theo luật hình, người này đương nhiên bị khép tội chết và bị chặt tay treo ở kho. Tuy nhiên, để răn đe nghiêm khắc, vua Minh Mạng ra chỉ dụ “chặt một bàn tay thủ phạm Nguyễn Đức Tuyên đem treo, xóa tên trong sổ làm quan, để lại cho nó cái đầu, khiến nó suốt đời hối hận”.
Cũng theo Đại Nam thực lục, năm 1822, vùng Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai bão lụt, nhà cửa điêu linh, thóc gạo đắt đỏ và khan hiếm. Trước tình cảnh đó, triều đình cho phát 25.000 hộc thóc để bán và cấp cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở Kinh thành là Đặng Văn Khuê phụ trách việc này, nhưng khi trợ cấp đến dân, mỗi hộc thóc lại thiếu một ít. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, nhà vua liền ra lệnh chém đầu.
Năm 1821, Phó Tổng trấn Gia Định là Huỳnh Công Lý, là nhạc phụ của nhà vua, tham nhũng 30.000 quan tiền, nhà vua gạt tình thâm, ban chỉ dụ tử hình bố vợ. Cùng với các bản án và hình phạt rất nghiêm khắc, các quan tham nhũng ở thời vua này đều bị tịch thu tài sản, đem chặt tay hoặc chém đầu nơi đông người để thị uy, đe nẹt.
Nhìn lại các bộ luật cũng như các văn bản pháp luật của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam trước đây, có thể thấy rõ những quy định khắt khe, thống nhất đối với giới quan lại, nghiêm cấm các hành vi mà quan lại không được làm. Đó là không được tham lam, vơ vét của cải của dân; không được nhận hối lộ, nếu nhận thì tuỳ theo số lượng tiền mà trị tội; không được ẩn lậu khi thu thuế; không được phép lợi dụng việc công để mưu lợi việc riêng; nghiêm cấm vì tình riêng, vì nhận hối lộ mà tiến cử người kém tài, kém đức; các quan xét xử phải giữ lẽ công bằng, không được nhận đút lót mà làm sai, để có người bị oan uổng.
Một trong những biện pháp rất được các triều đại tin dùng đó là luật (hoặc lệ) hồi ty. Theo đó, một viên quan đứng đầu một địa hạt không được phép nhậm chức tại quê hương mình, không được lấy vợ là người sở tại, không được phép có nhà cửa, ruộng vườn, ao đầm trên địa hạt mình cai quản, không được có người cấp phó là đồng hương, và điều quan trọng là các quan lại này đều được dịch chuyển địa hạt cai quản theo một chu trình nhất định.
Năm 1831, vua Minh Mạng cho ban hành Luật hồi tỵ, quy định các việc phải kiêng kỵ, tránh né, buộc bộ các chức sắc trong bộ máy từ triều đình đến nơi thôn dã phải triệt để chấp hành. Luật này quy định, khi sắp xếp, bố trí bộ máy quan lại, phải triệt để tránh (không bố trí) những nơi quê gốc (quê nội), vì ở đó có quan hệ họ tộc gần gũi từng sinh sống nhiều đời sinh sống…; không bố trí ở quê ngoại (bao gồm quê mẹ, quê vợ và cả những nơi trước đây đã từng theo học), dù chỉ ngắn ngày.
Đến đời vua Thiệu Trị, nhà vua bổ sung thêm một số điều của luật xử án trong đó có các quy định ngăn ngừa, loại bỏ các mối quan hệ thân tộc, gia đình, đồng hương, bè cánh, tránh tình trạng bao che, thông đồng để thực hiện những hành vi tham nhũng, hối lộ, trù dập, ức hiếp người tố cáo, làm sai lệch cán cân công lý.
Khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, chính tắc, ắt xuất hiện những con người thẳng ngay, khí khái, dù máu chảy đầu rơi cũng kiên quyết gìn giữ cương thường xã tắc. Đó là nhà nho, người thầy mẫu mực “vạn thế sư biểu” Chu Văn An (1292 - 1370) thời Trần. Vì căm giận bọn nịnh thần, tham nhũng, ông đã dâng “Thất trảm sớ” xin Vua chém đầu 7 tên gian thần.
Đó là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) thời Mạc, đã dâng sớ xin Vua chém đầu 18 tên gian thần, lộng thần. Đó là Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346) với tri thức uyên thâm, luôn giữ khí tiết thanh liêm, chính trực; ông đã nhiều lần vạch mặt bọn tham quan trước Triều đình, can gián Nhà vua trước những việc làm chưa đúng.
Đó là Tiến sỹ Đặng Huy Trứ (1825 - 1874), một vị quan luôn lo lắng đến nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước triều đình và trước muôn dân. Để phòng tham nhũng, ông viết cuốn “Từ thụ yếu quy” (những nguyên tắc chủ yếu của việc không nhận và có thể nhận), tổng kết từ những việc thật xảy ra trong cuộc sống, chỉ ra những thói hư tật xấu, cám dỗ, lợi dụng trong chốn quan trường. Ông từng nói “Mình thiệt, lợi dân, dân gắn bó/Đẽo dân, mình béo, dân căm hờn/Hờn căm, gắn bó tùy ta cả/Duy chữ “thanh thanh” đối thế nhân”.
3. Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ
Ngay từ thời dựng Đảng, mở lời cho cuốn “Đường Kách mệnh” (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đề cao “Tư cách một người cách mạng”. Người nhấn mạnh “phải cần, kiệm, nói thì phải làm, phải biết hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất”. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, trong “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (tỉnh Nghệ An, ngày 17/9/1945), Bác viết: “Cán bộ ta nhiều người “cúc cung tận tụy”, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành, độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư…” .
Bác Hồ coi tham ô, lãng phí là tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Người chỉ rõ bản chất của hành vi tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận tham lam, là trộm cướp. Trong bài nói chuyện năm 1952 về “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu”, Hồ Chủ tịch nói rõ: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là ăn cắp của công làm của tư; đục khoét của nhân dân; ăn bớt của bộ đội; tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình…”… “Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”.
Theo Người, đặc trưng của hành vi tham ô là biến "của công" thành "của tư". Bất cứ hành vi lấy "của công" làm "của tư" nào cũng đều bị Hồ Chí Minh coi là hành vi tham ô. Hơn một tháng sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, Báo Cứu quốc (ngày 17/10/1945) đăng bức thư của Người gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư, Người nhắc nhở các cấp chính quyền ở một số nơi “cậy thế, tham ô, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo”... Người căn dặn: “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân ta phải hết sức tránh”.
Ngày 17/3/1952, Người viết bài về chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Bài báo có đoạn: “Quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Phải tẩy sạch nó để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính để đẩy mạnh thi đua sản xuất và tiết kiệm, để đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, để xây dựng thuần phong mỹ tục trong toàn dân, toàn quốc”. Chúng ta từng biết, năm 1950, vào ngày 5/9, tại Chiến khu Việt Bắc diễn ra một phiên tòa đặc biệt gây chấn động dư luận xã hội lúc bấy giờ. Đó là vụ án Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Kết thúc phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình. Sự việc được báo cáo lên Hồ Chủ tịch. Người đã cân nhắc kỹ và quyết định bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”. Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ to lớn về mọi mặt. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ... Trong khi “chiến sỹ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp, mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian mật thám”. Người nhắc nhở, chống loại kẻ địch này (tức nạn tham ô) khó khăn, phức tạp hơn ngay cả so với đánh giặc ngoại xâm. Điều này phải được xem là một đặc thù, chi phối toàn bộ cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Người căn dặn: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành trời. Thiếu một phương, thì không thành đất. Thiếu một đức, thì không thành người”. Nói chuyện với cán bộ và nhân dân Hà Bắc ngày 17/10/1963, Người kêu gọi: "... Phải chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Phải chấm dứt những tệ nạn xấu xa do xã hội cũ để lại, như lười biếng, cờ bạc, buôn gian bán lậu, tiêu sài xa xỉ, gả bán, cưỡng ép... Để sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, đồng bào các dân tộc phải nâng cao ý thức làm chủ và tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà.
Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đảng (3/2/1930 - 3/2/1969), Bác viết bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Bác chỉ rõ: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Bác căn dặn: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”… “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù nguy hiểm mà mỗi người chúng ta phải luôn luôn tỉnh táo đề phòng và kiên quyết tiêu diệt”.
4. Công cuộc phòng chống tham nhũng của chúng ta hôm nay
Sau hơn 30 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bên cạnh những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta cũng phải đối mặt, thậm chí đã mắc phải một số yếu kém, khuyết điểm, trong đó, nạn tham nhũng có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, nặng nề hơn.
Để khắc phục tình trạng này, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, bộ Luật cho công tác PCTN. Từ sau Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN năm 2014, thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp lớn về PCTN.
Bộ Chính trị (khóa X) ra Chỉ thị 50-CT/TW ngày 7/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) xác định “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.
Từ năm 2014 đến nay, Quốc hội đã xây dựng, bổ sung, sửa đổi và thông qua 94 luật, pháp lệnh, 88 Nghị quyết về các lĩnh vực kinh tế - xã hội và PCTN. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Quốc hội đã thông qua 36 luật, pháp lệnh, 45 Nghị quyết, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015; Luật báo chí (sửa đổi); Luật tiếp cận thông tin; Luật quản lý, sử dụng tài sản công; Luật đấu giá tài sản; Luật tố cáo (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp; Luật Đấu thầu; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp...; đang tích cực hoàn thiện các dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Công an nhân dân (sửa đổi), Luật Bảo vệ bí mật nhà nước...
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 694 Nghị định, 518 Nghị quyết, 281 quyết định; riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã ban hành 429 Nghị định, 327 Nghị quyết, 134 quyết định tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng. Cũng từ năm 2014, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức Đảng và 58.120 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 2.720 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.
Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện 4 dự án lớn; rà soát việc thanh tra 7 dự án gây thất thoát, thua lỗ nặng, kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm. Từ năm 2014 đến nay, đã triển khai 29.429 cuộc thanh tra hành chính, 872.941 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; qua đó, đã kiến nghị thu hồi 188.476 tỷ đồng, 9.221 ha đất, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 338 vụ/436 đối tượng.
Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán 829 đơn vị đầu mối; kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước 74.897 tỷ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 522 văn bản của các cơ quan nhà nước; chuyển 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Từ năm 2014 đến nay, cơ quan điều tra trong cả nước đã khởi tố mới 971 vụ án/2.010 bị can, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 1.060 vụ án/2.444 bị can, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 968 vụ án/2.297 bị cáo về các tội tham nhũng. Nổi lên trong số đó là các vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm; Đinh La Thăng và đồng phạm; Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm; Phạm Công Danh và đồng phạm; Hà Văn Thắm và đồng phạm; Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm; vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc nghiêm trọng xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương; Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm...
Riêng trong 2 năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 đã chỉ đạo xử lý 52 vụ án, 33 vụ việc, đã xét xử sơ thẩm 21 vụ/ 263 bị cáo (tuyên phạt: 3 bị cáo án tử hình; 9 bị cáo tù chung thân; 4 bị cáo tù 30 năm; 240 bị cáo tù từ 12 tháng đến dưới 30 năm).
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế, yếu kém, công việc tới đây của chúng ta còn rất to lớn và nhiều khó khăn. Cần quán triệt và tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, giải pháp về PCTN theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Kết luận 21 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) và Kết luận số 10 của Bộ Chính trị (khóa XII), gắn với thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Khẳng định rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước về PCTN; làm cho mọi người thấy rõ việc đẩy mạnh PCTN, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm không làm hạn chế sức sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người tâm huyết, vì sự nghiệp đổi mới của Đảng, với động cơ trong sáng, lành mạnh; không “làm chậm” sự phát triển của đất nước, mà ngược lại, làm trong sạch, tạo sức mạnh thật sự của bộ máy và đội ngũ cán bộ, củng cố và tăng cường lòng tin của nhân dân; tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng phải xác định PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, cần tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo; gắn công tác PCTN với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Khẩn trương cụ thể hóa, thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và PCTN trong nội bộ Đảng, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ; hình thành hệ thống các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc giữ gìn phẩm chất, đạo đức, liêm chính, trong sạch, gương mẫu đi đầu trong PCTN. Xây dựng cơ chế để bảo vệ, khuyến khích mạnh mẽ người đứng đầu cơ quan, đơn vị tự kiểm tra phát hiện, xử lý tham nhũng, cũng như bảo vệ, khuyến khích người tố cáo, tích cực đấu tranh với tham nhũng.
Đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội và PCTN, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng như quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thu, chi ngân sách; đầu tư xây dựng (bao gồm cả đầu tư công và đầu tư theo hình thức BT, BOT); tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan; các chế độ, định mức, tiêu chuẩn...; các giải pháp về PCTN còn hình thức, hiệu quả thấp. Có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”, ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách. Hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước phải tạo ra được “một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để không dám tham nhũng; một cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng”.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, công chức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ để PCTN; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới
Rà soát, hoàn thiện quy định của Đảng và Nhà nước về xử lý kỷ luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm phải có hình thức xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai, làm nghiêm từ trên xuống dưới.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát quyền lực để PCTN.
Xây dựng và hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thực sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng theo nguyên tắc: Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực càng cao, trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực phảỉ truy cứu trách nhiệm và xử lý vỉ phạm.
Phải tăng cường giám sát, kiểm soát quyền lực để đảm bảo quyền lực được vận hành công khai, minh bạch, đúng đắn, để quyền lực không bị “tha hóa”. Cùng với hoàn thiện hệ thống thể chế về kinh tế - xã hội và PCTN để “nhốt quyền lực vào trong lồng thể chế”, phải tăng cường giám sát việc thực thi thể chế thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thanh tra, kiểm toán của Nhà nước; giám sát của các cơ quan và đại biểu dân cử; giám sát của các cơ quan tư pháp; giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của nhân dân và của toàn xã hội.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý tham nhũng của các cơ quan, đơn vị chức năng và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, nhằm ngăn ngừa tham nhũng chính ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Đưa công tác kiểm tra, giám sát về PCTN nói chung, công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, xử lý vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng vào chương trình công tác hàng năm của cấp uỷ và Ủy ban kiểm tra các cấp.
Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan và đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí trong PCTN.
Kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Hoàn thiện quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là phạm vi đối tượng phải kê khai; các nội dung về công khai, quản lý, kiểm tra, giám sát, xác minh bản kê khai; trách nhiệm giải trình, chế tài xử lý vi phạm trong kê khai và xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai, biến động tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng để chuyển mạnh và tiến tới thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng; nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Khi đã xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN; từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra ngoài khu vực nhà nước, mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN./.
Tác giả: Theo PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam
Nguồn tin: http://dantri.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn